Nhà đang có khách, cu Đô (16 tháng tuổi) ném quả bóng nhựa vào đúng mâm làm bát nước mắm bắn tung tóe. Thùy (mẹ cu Đô) không nén được tức giận, tét luôn mấy cái vào đít của con. Vừa ngượng với khách, cô vừa vội vã lau dọn để cả nhà tiếp tục ăn cơm.
Ngày nào đến bữa cơm của cả nhà, cu Đô cũng tìm cách quậy phá. Khi thì cu cậu thò cả chân đi dép vào bát cơm của mẹ; lúc lại nhoài người tới đòi “dô dô” vì thấy bố và ông nội uống bia hoặc chỉ tay, khóc lóc đòi được ăn dưa muối dù mẹ dọa “cay xè, cay xè”. Nếu không, cu Đô cũng là đòi mở nắp nồi cơm điện, xới và hất tung cơm ra sàn nhà.
Thùy có mắng thì con sẽ gào khóc rồi nôn ọe hết chỗ cháo vừa ăn. Thùy đã tính đến việc cho con ăn cùng gia đình nhưng không khả thi. Bởi lẽ, bữa cơm tối của cả nhà Thùy thường bắt đầu khá muộn (khoảng 7h30-8h), lúc đó cu Đô đã ăn xong cháo từ lâu.
Cùng cảnh với Thùy, Hương (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng chẳng mấy khi ăn được một bữa cơm trọn vẹn vì con quấy phá. Lúc cu Bốp (con trai Hương) 8 tháng tuổi, cô đã đầu tư cho con một chiếc ghế dành cho bé tập ăn, theo kiểu nước ngoài. Ban đầu do chưa đứng vững, bé rất chịu khó ngồi ăn. Ngay cả khi cả nhà dùng cơm, bé cũng ngoan ngoãn ngồi chơi trên ghế, vui sướng vì thỉnh thoảng được mẹ gắp cho ít rau. Nhưng khi đã chập chững, cu cậu cương quyết không chịu ngồi yên mà luôn vặn vẹo, xoay bên nọ, nhoài sang bên kia, đòi được bế ra. Nếu được bế ra, bé Bốp sẽ sà ngay vào mâm chọc đũa, chọc bát inh ỏi.
Hương định một tay ôm con, một tay ăn cơm nhưng không được vì cu Bốp nghịch phá luôn tay, bốc cơm ngay cả ở trong bát của mẹ. Để tập trung ăn được, nhiều lần Hương đành gửi con, nhờ hàng xóm trông hộ.
Rèn bé thói quen ăn ngoan từ nhỏ
Lý do bé hay quậy phá khi ăn thường là do bé được cho ăn trước. Đến bữa cơm, hiếm có bé nào chịu ngồi yên nhìn cả nhà ăn uống vui vẻ. Vì thế, luyện cho bé thói quen ăn uống cùng gia đình ngay từ sớm là điều quan trọng.
– Nếu bé ngồi vững (khoảng 8-9 tháng), có thể cho bé ngồi cùng mâm với gia đình nhưng trên một chiếc ghế dành riêng cho bé. Nếu cả nhà ngồi dưới sàn nhà thì phải có người canh chừng và đỡ bé vì bé sẽ nhoài người vào mâm cơm bất kỳ lúc nào. Nên để mâm cơm xa tầm tay bé một chút. Cho bé một chỗ ngồi cố định, không để bé di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
– Muốn bé ăn uống có quy củ, người lớn nên làm gương trước. Cần nghiêm túc, không bày trò nghịch phá cùng bé khi ăn.
– Khi bé đã đủ lớn, hãy dạy bé cách cầm thìa, tự xúc thức ăn. Khen ngợi mỗi khi bé ăn ngoan, không nghịch ngợm. Nhắc nhở mỗi lần bé thọc tay vào mâm. Thỉnh thoảng, cha mẹ cũng có thể bón cho bé món nọ – món kia phù hợp để bé hợp tác khi ăn.
Bé lớn hơn thì dạy bé cách ăn uống lịch sự, biết mời người lớn trước khi ăn cơm, biết tự xúc thức ăn, không ăn quá nhanh hoặc ngậm cơm trong miệng.
– Hạn chế cho bé vừa ăn, vừa xem tivi vì nó có thể làm bé mất tập trung. Cha mẹ cũng nên tìm các biện pháp giúp bé ngoan hơn khi cả nhà ăn cơm vì mỗi bé là khác nhau. Có bé hiếu động, cả nhà phải cử người canh chừng bé mới được ăn trọn bữa cơm. Có bé ngoan hơn, được mẹ bón cho vài món là ngồi im.
Theo Mẹ và bé