Chưa có bằng chứng khoa học khẳng định cho thai nhi nghe nhạc sẽ giúp phát triển trí thông minh của bé sau này. Ngược lại, nghe nhạc không đúng có thể khiến trẻ có nguy cơ về thính giác.
Lợi ích mơ hồ
Mặc dù giá khá cao, từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng một sản phẩm, nhưng các thiết bị nghe nhạc hoặc trò chuyện với thai nhi vẫn được nhiều ông bố bà mẹ săn lùng. Theo quảng cáo của nhà sản xuất, những sản phẩm này giúp em bé phát triển trí tuệ từ trong bụng mẹ và sau này sẽ thông minh, hoạt bát hơn.
Nhưng theo TS Janet DiPietro, chuyên gia Tâm lý học Đại học Johns Hopkins (Anh), thông tin này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Đến nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định vai trò của những kích thích bằng âm nhạc đến sự phát triển trí tuệ của thai nhi. Một số bà mẹ cho rằng, thai nhi tỏ ra vui vẻ, thư giãn khi được nghe các giai điệu quen thuộc. Nhưng TS DiPietro cho biết, đó chỉ là cảm giác chủ quan của thai phụ.
Hiện tại, các nhà khoa học đã ghi nhận rằng, thai nhi từ tháng thứ tư đã có phản ứng với các giai điệu âm nhạc cũng như những âm thanh khác của thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, người ta không biết đó là biểu hiện của sự thích thú hay khó chịu.
Một số nghiên cứu cho thấy, thai nhi cử động, hít thở theo nhịp nhạc. Nhưng giới chuyên môn cũng chưa biết liệu điều này có tốt cho bé hay không. Dù sao, âm nhạc vẫn có thể mang lại những lợi ích nhất định đối với thai nhi. Dễ thấy nhất là âm nhạc giúp bà mẹ mang thai thư giãn, ngủ ngon hơn và điều này tốt cho sự phát triển của bào thai.
Tối đa 1h/ngày, mỗi lần khoảng 20 phút
TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cũng cho hay, hiện nay ở Việt Nam chưa hề có tài liệu, nghiên cứu nào chính thống về vấn đề trẻ có thông minh hay không khi nghe nhạc từ trong bụng. Người dân vẫn chỉ làm theo một cách mơ hồ mà không có hướng dẫn cụ thể. Việc lạm dụng quá mức hoặc không biết cách sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ hơn đối với trẻ khi được sinh ra.
Ảnh hưởng đến thính giác và giấc ngủ của thai nhi
Ngoài ra, TS Tiến cũng nhấn mạnh rằng, thai nhi như trẻ vừa sinh hay cũng như người lớn chỉ tiếp nhận một lượng âm thanh nhất định. Nếu to quá, khi sinh ra thính giác của trẻ có thể không tốt. Đấy là chưa kể đến sẽ ảnh hưởng đến sự xáo trộn về sinh lý của trẻ trong bụng.
Thai nhi ngủ phần lớn thời gian trong bụng mẹ. Nếu bật nhạc cho bé nghe nhiều sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bé.
Ngoài ra, nước ối có khả năng khuếch đại rất tốt những âm thanh trầm (như tiếng guitar bass) và tiếng nói của người mẹ. Thói quen bật nhạc thật to vì sợ thai nhi không nghe rõ, nhất là khi áp sát tai nghe vào thành bụng hoặc dùng các thiết bị truyền âm đặc biệt để nói chuyện với thai nhi có thể gây hại cho thính giác non nớt còn đang phát triển của bé.
Nguy hiểm hơn, mức độ an toàn của các thiết bị hỗ trợ giáo dục thai nhi từ trong bụng mẹ như máy nghe nhạc, thiết bị trò chuyện với thai nhi… đều chỉ là thông tin do nhà sản xuất cung cấp, chưa được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học hay cơ quan có thẩm quyền – một nghiên cứu của TS Janet DiPietro chỉ rõ như vậy.
Tối đa 1h/ngày, mỗi lần khoảng 20 phút
Các chuyên gia khuyên, nếu nghe nhạc hãy để ở mức độ nhẹ nhàng, du dương, không quá 70dB. Nếu cho thai nhi nghe nhạc bằng cách dùng tai nghe áp vào thành bụng thì mỗi ngày chỉ tối đa 1 giờ, mỗi lần khoảng 20 phút. Nên nghe lúc thai nhi tỉnh dậy. Tránh để loa ngoài gần bụng. Nếu để tai nghe gần bụng chỉ để âm lượng khoảng 70dB vì những âm thanh ở quá gần nếu kéo dài có thể khiến thai nhi bị giật mình, kích thích.