Sản phụ mới sinh, người mang thai, người mắc bệnh thiếu máu thường mệt mỏi, dễ hoa mắt chóng mặt. Không phải lúc nào cũng dùng thuốc, một số thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể, khắc phục tình trạng thiếu máu.
Những thực phẩm giúp bổ máu
Rau ngót, rau dền, đặc biệt là rau dền đỏ luôn là những thứ “ưu tiên” hàng đầu cho người mới sinh con bởi tính “lành” và bổ máu. Ngoài ra, tiết luộc cũng là món ăn được những người mắc bệnh thiếu máu lựa chọn với suy nghĩ “ăn gì bổ nấy”, “thiếu cái gì bổ sung cái nấy”. Tuy nhiên, việc ăn nhiều, lặp đi lặp lại một vài loại thực phẩm dễ gây ngán.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đúng là một số thực phẩm như rau ngót, rau dền có tác dụng bổ máu nhưng ngoài ra, còn nhiều thực phẩm khác có tác dụng tương tự. Ăn đa dạng thực phẩm sẽ tốt hơn là chỉ nhằm vào một số thực phẩm nhất định.
Phụ nữ sau sinh thường mắc bệnh thiếu máu.
Với phụ nữ có thai, phụ nữ vừa sinh, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, việc thiếu sắt có thể là do chưa cung cấp đủ chất sắt đáp ứng nhu cầu hằng ngày, hoặc do nhu cầu cơ thể tăng mà lượng sắt đưa vào chưa đủ. Những thực phẩm có nhiều chất sắt, khi được bổ sung vào cơ thể một cách hợp lý sẽ giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt.
Cần đi khám để bồi bổ cơ thể hợp lý
BS Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sắt trong thực phẩm tồn tại ở 2 dạng khác nhau: dạng sắt heme và dạng không heme. Dạng heme có trong thức ăn từ nguồn gốc động vật. Sắt heme có thể dễ dàng hấp thu tại đường ruột, trong khi sắt không heme bị phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất gây tăng hấp thu hoặc cản trở sự hấp thu sắt.
Sắt dạng heme thường có trong nội tạng của động vật như: gan lợn, gan gà, gan bò, tim bò, tim gà, tim lợn, bầu dục lợn… thịt bò, tôm, cá mòi, trai, sò, nghêu, lòng đỏ trứng gà, lòng đỏ trứng vịt…
Đặc biệt, tiết bò, tiết lợn… có hàm lượng sắt khá dồi dào. Sắt dạng không heme có nhiều trong rau. Có thể kể ra đây những loại rau có màu xanh thẫm như: rau ngót, rau dền đỏ, cải xoong, súp lơ, cần ta, cần tây, rau bí, rau đay, rau muống…; Các loại đậu (đậu tương, đậu đũa, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu đen, đậu xanh…), các loại mộc nhĩ, nấm hương khô….
Như vậy, hầu hết thực phẩm chúng ta hay sử dụng hằng ngày có tác dụng bổ máu chứ không chỉ riêng rau ngót, rau dền, tiết lợn.
ThS Bạch Quốc Khánh, phó viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết, với các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu, thiếu sắt như phụ nữ có thai, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, có thể sử dụng thực phẩm có tác dụng bổ máu (một số loại rau, thịt đỏ và uống bổ sung viên sắt).
Tuy nhiên, thiếu máu không chỉ do thiếu sắt mà còn có nhiều nguyên nhân. Để xác định rõ nguyên nhân, biết cơ thể đang thiếu chất gì… nếu có dấu hiệu thiếu máu, cần đi khám để từ đó có sự bổ sung, chữa trị, bồi bổ cơ thể hợp lý.