Hầu hết trẻ em Việt Nam đang chơi đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc mà chúng ta không biết là làm bằng chất liệu gì, có an toàn cho trẻ hay không
Dù Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học – Công nghệ đã có hiệu lực từ 15/4 nhưng đến nay, sau hơn 1 tháng rưỡi, vẫn khó có thể tìm được hàng có dấu CR (dấu hợp quy) trên thị trường. Ở phố đồ chơi Lương Văn Can (nơi nhiều hàng trôi nổi) đã vậy, nhưng dạo qua một số siêu thị, nhà sách, cửa hàng đồ dùng cho bé… tình hình cũng không khá hơn. Tại cửa hàng New Kid ở phố Bà Triệu, không có mặt hàng đồ chơi nào có dấu hợp quy, thậm chí cả những bộ đồ chơi đơn giản nhưng có giá 300.000- 400.000 đồng, mà nhân viên cho biết là hàng Trung Quốc cao cấp, cũng chỉ có dán nhãn hàng thông thường và niêm yết giá mà thôi.
Khách hàng vẫn mua hàng bình thường, không ai hỏi gì về dấu CR. Có lẽ có những người biết về dấu CR nhưng vẫn phải chấp nhận mua, vì không biết tìm đâu đồ có dấu hợp quy. Bên cạnh đó, có không ít người vẫn chưa biết dấu hợp quy là gì.
Đồ chơi bằng nhựa của trẻ em hiện đang tràn ngập trên thị trường đa phần là hàng Trung Quốc. Mẫu mã cực kỳ đa dạng, màu sắc bắt mắt, giá cả thì linh hoạt, đắt rẻ đều có cả nhưng đa số là đồ rẻ tiền, rẻ đến mức chỉ nhìn giá cũng phải dẫn đến nghi ngờ về chất lượng. Mặc dù gần đây, theo dõi thông tin qua báo chí, có những bậc cha mẹ đã cẩn trọng hơn khi lựa chọn đồ chơi cho con; nhưng phần đông mọi người vẫn không ý thức hết sự nguy hiểm của các đồ chơi độc hại. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc vừa đẹp, vừa rẻ tiền đã dễ dàng hấp dẫn người mua.
Trẻ gái thường chơi búp bê, coi chúng như những người bạn thân thiết, thậm chí ôm chúng cả khi đi ngủ. Những con búp bê xinh xắn, có đầy đủ phụ kiện váy áo, giá chỉ từ 10-30 nghìn đồng, từ nhựa làm nên búp bê đến vải quần áo sặc sỡ đều có thể chứa những chất độc hại.
Theo các chuyên gia, hàng đồ chơi trẻ em của Trung Quốc thường sản xuất từ nhựa PVC, khiến cho sản phẩm mềm, dẻo, màu sắc đẹp nhưng nếu trẻ em cầm, và nếu đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm. Đó là chưa kể các sản phẩm màu sắc sặc sỡ được nhuộm phẩm màu công nghiệp, có chứa thành phần kim loại nặng. Một nghiên cứu của Mỹ công bố hồi đầu năm nay cho biết, trong số các sản phẩm dành cho trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc đã được kiểm tra, người ta phát hiện 700 loại có chứa chất độc hại như chì, cadmi, arsenic và thủy ngân… với hàm lượng cao. Đa số những sản phẩm này thuộc loại rẻ tiền, sản xuất tại Trung Quốc và bán hạ giá ở Bắc Mỹ.
Ở nước ta, nếu làm các nghiên cứu tương tự, chắc sẽ khó khả thi vì điều kiện dành cho nghiên cứu phân tích còn thiếu thốn mà mẫu hàng thì lại quá nhiều.
Năm 1996, Bộ Khoa học – Công nghệ đã ban hành một quy chuẩn về danh mục các đồ chơi trẻ em. Theo đó, các loại đồ chơi dành cho trẻ em trên 36 tháng tuổi phải được kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý. Đến tháng 4/2006, đã có thêm quy định đối với đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phải được kiểm tra 8 nguyên tố thôi nhiễm (do trẻ em có thể cho đồ chơi vào miệng). Đến năm 2009, việc kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em mới được cụ thể hóa bằng những quy định tương đối đầy đủ. Theo đó, tất cả các loại đồ chơi gồm sản xuất trong nước và nhập khẩu, đều phải được kiểm tra các chất ô nhiễm, formaldehyde, độ pH…
Tuy nhiên, việc kiểm định và giám sát chất lượng đồ chơi trẻ em không thể làm dễ dàng trong ngày một ngày hai, khi các mặt hàng nhập hiện nay vô cùng đa dạng, lại tràn lan hàng nhập lậu, hàng nhái. Với hàng sản xuất trong nước, phải được bắt đầu đánh giá từ nguồn nguyên liệu, các chi tiết sản phẩm, dây chuyền sản xuất vv…
Ngày 17/5, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng có công văn hướng dẫn thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) đối với đồ chơi trẻ em và thiết bị điện, điện tử. Theo công văn hướng dẫn thì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em phải thống kê số lượng đồ chơi trẻ em đã được sản xuất trước ngày 15/4 và còn tồn đọng. Doanh nghiệp vẫn được tiếp tục kinh doanh số hàng tồn này cho đến ngày 15/9, còn sau đó, số đồ chơi sản xuất trước ngày 15/4 không dán tem hợp quy không được phép lưu thông.
Từ nay đến đó chỉ còn hơn 2 tháng, liệu tất cả đồ chơi trẻ em trên thị trường có kịp được kiểm định và dán tem hợp quy?
Đồ chơi cho trẻ em đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, chất liệu làm đồ chơi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ, thì dường như lại chưa được các bậc cha mẹ quan tâm thích đáng. Quy định về kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em đã có, cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, cơ quan chức năng quản lý thị trường, trách nhiệm của những người sản xuất và kinh doanh; nhưng cũng rất cần sự lưu ý của các bậc cha mẹ: không mua cho con mình những đồ chơi không đảm bảo an toàn./.