Ẩn tinh hoàn là hiện tượng bất thường ở bé trai, khi bé chào đời với một hoặc hai bên tinh hoàn đã không nằm trong bìu. Nếu thiếu tinh hoàn, bộ phận bìu trông nhỏ hơn bình thường và không cân xứng.
Bé sinh non có thể bị ẩn một hoặc hai tinh hoàn. Bởi vì, tinh hoàn bắt đầu đi xuống bìu khoảng 8 tuần trước khi bé chào đời. Nếu bé sinh non, tinh hoàn tất nhiên chưa kịp xuống bìu; vì thế, ẩn tinh hoàn phổ biến hơn với bé sinh non.
Bác sĩ là người trực tiếp kiểm tra vùng kín cho bé trai và khẳng định xem tinh hoàn đã nằm đúng chỗ hay đang nằm trong ống dẫn mà chưa chịu xuống bìu. Nếu tinh hoàn không trở về vị trí trong vòng 3 tháng sau đó, bác sĩ có thể quyết định tiến hành phẫu thuật cho bé.
Nguyên nhân
Không ai biết chắc nguyên nhân gây nên hiện tượng ẩn tinh hoàn ở bé. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự mất cân bằng hormone trong cơ thể mẹ có thể khiến một hoặc hai bên tinh hoàn của bé đột ngột bị ẩn đi; bé phản ứng bất thường với hormone của mẹ.
Hoặc do khối cơ giúp tinh hoàn di chuyển xuống hoạt động không tốt nên ngăn cản tinh hoàn xuống bìu; cũng có thể do có khối xơ chặn đường đi của tinh hoàn.
Điều trị
2/3 các ca bệnh ẩn tinh hoàn có thể tự khỏi. Nếu bé được 1-2 tuổi mà hiện tượng này không được khắc phục, bé sẽ được chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ được tiến hành để loại bỏ múi xơ chắn ngang đường dẫn tinh hoàn xuống bìu.
Bác sĩ cũng có thể dùng liệu pháp hormone, thêm testosterone cho bé. Nếu cách này không thành công, bác sĩ phải chọn phương pháp phẫu thuật.
Nguy cơ nếu không điều trị
Tinh hoàn dường như không thể “trưởng thành” nếu nó không nằm trong bìu; khi ấy, tinh hoàn ẩn làm gia tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở bé trai sau này nếu bé không được điều trị trong vòng 2 tuổi.
Một số trường hợp hiếm, tinh hoàn ẩn làm giảm quá trình lưu thông máu, gây đau hông, háng.