Nhiều bậc cha mẹ thú nhận, rất muốn trò chuyện với con, nhưng thường cảm thấy “chán ngấy” và “nóng ruột” khi nghe chúng nói, toàn những chuyện “không đâu vào đâu”. Trong khi đối với bọn “nhóc”, đó chính là những gì chúng nghĩ, chúng thấy mỗi ngày, là cuộc sống của chúng.
Chuyện vớ vẩn?
Trong một buổi gặp gỡ của Hội Các bà mẹ (TP.HCM), bà Trần Hoài Lam, nhân viên ngành may mặc, bày tỏ: “Con gái tôi đã vào cấp III mà toàn nói chuyện vớ vẩn. Có hôm thì bạn này thích bạn kia, mà bạn kia thì chê bạn này lười biếng, không chịu tập thể dục, còn ở dơ nữa… Tôi quá mệt mỏi vì những câu chuyện của con, nên chưa bao giờ nghe hết từ đầu đến cuối. Điều tôi nôn nóng muốn biết là con được bao nhiêu điểm các môn kiểm tra, trong lớp có thường xuyên phát biểu, cô giáo có khen không… Vậy mà, khi hỏi đến những chuyện quan trọng đó, con chỉ kể qua loa, lại còn nói: “Điểm số đâu có quan trọng hả mẹ?!”.
Gần tốt nghiệp cấp III, bà Lam hỏi con muốn thi vào ngành gì, cô con gái cao nhòng, vừa ăn, vừa nói: “Ai biết, để con coi mấy đứa bạn thi vào trường nào, để còn học chung cho vui”. Thỉnh thoảng có cậu con trai tóc dài, xỏ bông tai một bên, hay đến rủ đi chơi, bà phập phồng chờ cửa. Con gái bà tỏ ra bực mình: “Mẹ làm như con có bồ rồi. Bạn trai cũng như bạn gái thôi, có gì khác nhau đâu, thích là đi chơi với nhau…”.
“Khi con phạm lỗi, chưa bao giờ tôi được nghe con trình bày đúng trọng tâm câu hỏi của tôi”. Đó là nhận xét của ông Trần Thái Nghĩa, một doanh nhân ngành xây dựng. Trước những hậu quả do mình gây ra, câu trả lời thường xuyên của cậu con trai ông là: “Con cũng không biết tại sao nữa”. Có lúc, ông dành thời gian ngồi bên con, cố nghe con nói, nhưng chỉ toàn chuyện… trên trời. Nào là bạn trai kia giả gái được trúng thưởng lớn, cô gái nọ vừa được công dân mạng bầu là ma cà rồng… Ông ngao ngán nhìn thằng con sắp vào cấp III, học cũng khá, nhưng sao cứ sưu tầm toàn chuyện… nhảm.
Cần kiên nhẫn
Các chuyên viên tâm lý cho rằng, trẻ mới lớn không thể diễn giải nhất quán về nguyên nhân tại sao trẻ lại có hành động “quái lạ” nào đó.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ, khi bước vào tuổi dậy thì, cùng với cơ thể, bộ não của trẻ cũng bước vào giai đoạn phát triển, đặc biệt là ở những bộ phận chịu trách nhiệm đưa ra quyết định và nhận định đúng đắn của trẻ. Trẻ sẽ khó kiểm soát suy nghĩ, lời nói và hành động của mình cho đến khi não bộ hoàn thành quá trình phát triển. Trong giai đoạn đang “khủng hoảng” của trẻ, sự đòi hỏi của bố mẹ “không nói chuyện vớ vẩn nữa” là quá sức đối với trẻ, có thể gây cho trẻ áp lực nặng nề.
Nếu hiểu được tác động của quá trình phát triển não bộ này, khi thấy trẻ trả lời một cách vớ vẩn, lúng túng… thì thay vì bực bội hay sẵn sàng lên lớp, các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn chờ đợi, lắng nghe mọi thứ mà con bộc lộ và động viên chúng: “Con đừng lo, chắc chắn là con sẽ tốt hơn khi trưởng thành. Bây giờ hãy cố gắng khắc phục những gì đang mắc phải…”.
Khi trẻ đề nghị “để con yên”, cũng là một dấu hiệu tốt bởi đó là lúc trẻ nghĩ rằng những câu chuyện của mình sẽ làm cha mẹ lo lắng, muộn phiền. Hãy giữ yên lặng và ở bên con một lát, dần dần trẻ sẽ tin tưởng bạn hơn, và sẽ đến bên bạn vào một thời điểm khác để trút hết những tâm sự đang đè nặng trong lòng.
Theo Phụ nữ TP HCM