Sau gần 3 năm triển khai dự án “Chăm sóc trẻ sơ sinh tại VN”, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại VN Save Children góp phần giúp hai huyện Như Thanh và Ngọc Lặc (Thanh Hóa) giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh từ mức 2,19% và 1,94% (2006) xuống còn 0,85% và 1,94% (2009).
Bác sĩ Nguyễn Văn Phụng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Như Thanh kể lại, trước năm 2008 trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc trẻ sơ sinh (TSS) của bệnh viện chỉ có máy hút dịch và ambu bóp bóng. Đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sản thiếu và yếu, gồm những bác sĩ, điều dưỡng khoa ngoại sản kiêm nhiệm chưa được đào tạo về lĩnh vực chăm sóc, điều trị TSS.
Bệnh viện Ngọc Lặc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Do đó, tất cả các trường hợp TSS bị sinh non ở bệnh viện hoặc tuyến xã chuyển đến phải chuyển lên tuyến trên. Rất nhiều trường hợp tử vong trước và trên đường đi. Cộng thêm, trình độ dân trí của người dân – là những đồng bào dân tộc như Mường, Thái, Thổ… lúc đó rất thấp và tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu về sinh đẻ. Nhiều bà mẹ tự đẻ con ở nhà, cắt cuống rốn cho TSS bằng dao rựa đi rừng về, đem con xuống suối tắm ngay sau khi sinh hoặc không ủ đủ ấm cho TSS…
Năm 2008, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại VN Save Children triển khai dự án “Chăm sóc TSS tại VN” với mức kinh phí 50 nghìn USD do Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates (Mỹ) hỗ trợ tại hai huyện trên. Trong vòng 3 năm thực hiện, các cán bộ dự án triển khai hàng loạt các biện pháp tăng cường chăm sóc TSS như hỗ trợ 2 huyện xây dựng các phòng đơn nguyên sơ sinh được trang bị các thiết bị y tế hiện đại tại các bệnh viện huyện; mở các khóa nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc TSS cho cộng đồng, phát tờ rơi in những kiến thức y tế cơ bản….
Hiện bệnh viện Như Thanh có 1 phòng đơn nguyên sơ sinh trị giá khoảng 2 tỷ đồng, gồm 2 đèn chiếu vàng da, 1 lồng ấp sơ sinh, 1 máy trợ thở SEPAP. Nhờ phòng đơn nguyên sơ sinh này, năm 2009, bệnh viện điều trị thành công một ca sơ sinh chỉ nặng 1,2 kg khi chào đời. Sau 20 ngày chăm sóc, bé xuất viện với mức cân nặng là 2,4 kg.
Bác sĩ Lê Ngọc Dưỡng – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu TSS của Bệnh viện Như Thanh cho biết: “Nếu như trước đây, có lẽ bé có thể bị tử vong trên đường chuyển lên tuyến trên”.
Chị Lê Thị Hợi – người dân của xã Xuân Khang, huyện Như Thanh cho biết con chị – bé Nguyễn Trọng Long – do sinh thiếu tháng nên chỉ nặng 1,8kg khi chào đời. Ngay lập tức, bé được trợ thở và đưa vào chăm sóc bằng lồng ấp. Trong thời gian ở viện, chị Hợi được các bác sĩ tận tình dạy bảo cách nuôi dạy con đúng cách. Đến nay, bé Long nặng 14 kg ở tuổi lên 4.
Không chỉ giúp các bệnh viên nâng cao chất lượng và trình độ chăm sóc TSS, Save Children còn tăng cường nâng cao kiến thức chăm sóc TSS cho những người dân nơi đây. Tổ chức tuyên truyền kiến thức bằng cách phát những tờ rơi, tranh lật, áp phích… với hình ảnh tươi sáng, ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu.
Anh Nguyễn Văn Hải, cán bộ dự án cho hay để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả ở mức cao nhất, trước khi in ấn hàng loạt, tổ chức đã in thử một số tờ rơi, áp phích và thăm dò ý kiến người dân. Những tài liệu này sau đó được phát cho các cơ sở y tế xã, huyện để các nhân viên y tế phân phát cho mọi nhà và giảng dạy cho người dân hiểu.
Ngoài ra, dự án còn tổ chức nhiều lớp tập huấn ở nhiều cấp như mở lớp cập nhật kiến thức y tế ngay tại bệnh viện cho các nhân viên y tế và bệnh nhân, họp tại xã 2 lần/tháng để tuyên truyền.