Thời gian gần đây, Trung tâm Da liễu Hải Phòng tiếp nhận hàng trăm trường hợp bệnh nhân viêm da do tiếp xúc với côn trùng. Có nhiều trẻ em cũng phải đến điều trị vì bị bệnh này. Điều đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân chủ quan, tự mua thuốc điều trị làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, phải điều trị dài ngày.
Bướm đêm và kiến khoang là nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thường do 2 loại côn trùng là bướm đêm và kiến khoang gây ra. Bệnh phát ra khi da tiếp xúc trực tiếp với lông của ấu trùng bướm đêm hoặc gián tiếp qua quần áo hay do gió thổi lông dính vào da, ở lông của bướm có chất gây kích ứng da giống histamin gây viêm da cấp tính. Đối với kiến khoang là do một chất giống như Canthanidin có ở trong bụng sâu ban miêu nên khi xiết kiến khoang trên da, chất này tiếp xúc trực tiếp với da và gây bệnh.
Lưu ý loài kiến khoang khi chúng tiết ra dịch gây viêm da
Viêm da do tiếp xúc với côn trùng thường bùng phát từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Nguyên nhân là sau vụ thu hoạch lúa hoặc mùa mưa làm ngập ruộng khiến bướm, kiến khoang không còn chỗ trú sẽ bay vào nhà, phòng ngủ, phòng tắm và đặc biệt là ban tối, khi thắp điện sáng, bướm sẽ bay vào. Hơn nữa, vào mùa hè, mọi người thường mặc đồ thoáng, phần da hở nhiều nên dễ tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên gây bệnh. Nhiều người thường phát hiện thấy bệnh khi sáng ngủ dậy hoặc sau 1 ngày về thăm quê hôm sau thấy phát bệnh.
Biểu hiện bệnh viêm da tiếp xúc côn trùng
Phân biệt bệnh zona và bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùngZona là bệnh do virus Varicella zoster gây bệnh thủy đậu từ trước. Khi bệnh thủy đậu khỏi, virut vẫn còn khu trú trong hạch chờ điều kiện thuận lợi sẽ phát ra và gây bệnh zona. Bệnh thường có biểu hiện đau nhức trước khi mọc các mụn nước. Mụn nước đứng thành đám, số lượng từ vài chiếc tới hàng trăm chiếc và đặc biệt là các mụn nước thường chỉ phân bố ở một bên phải hoặc trái của cơ thể. Đau nhức tại vùng da mắc bệnh là biểu hiện hay gặp nhất. Khi khỏi bệnh thì có một số người vẫn còn đau tại nơi đã từng mọc mụn nước. |
Thương tổn ban đầu là những dát đỏ da, sau đó phù nề. Người bệnh thấy rát, đau, ngứa khó chịu. Trên bề mặt thương tổn màu trắng xám, lõm ở giữa, mụn nước, loét. Khi bị bội nhiễm thì có mủ trắng.
Thương tổn có hình dạng tương ứng với phần tiếp xúc với lông của bướm đêm. Có thể có từ 1 tới hàng chục thương tổn hình tròn, ô van, hình bản đồ, loang lổ, đôi khi thương tổn nhỏ và dài như vết cào của móng tay. Kích thước to nhỏ khác nhau từ vài mm tới 10 – 20 cm. Các dát đỏ trên có thể xuất hiện ở một vùng da bên phải hoặc bên trái hay nằm rải rác 2 bên cơ thể. Đôi khi có thương tổn ở mắt làm cho mắt viêm đỏ, phù nề, nhức nhối khó chịu.
Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiếp xúc do kiến khoang và bướm đêm là gần giống nhau nhưng do kiến khoang thường nặng hơn.
Bệnh thường phát nhanh sau khi tiếp xúc với dị nguyên từ vài giờ đến 1 hoặc 2 ngày. Với các biểu hiện trên, nhiều bệnh nhân nhầm với bệnh zona và tự đi mua thuốc acyclovir về bôi, uống nhưng không khỏi sau mới đến khám ở cơ sở da liễu.
Điều trị bệnh viêm da tiếp xúc côn trùng
Khi trên da xuất hiện những đám da màu đỏ, ngứa rát, đau, bệnh nhân nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu. Bệnh thường khỏi sau 5 – 7 ngày điều trị ngoại trú, không cần nằm viện. Bệnh nhân không nên điều trị để tránh tình trạng làm bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị do sử dụng thuốc không đúng. Bệnh nhân có thể tự xử lý ban đầu bằng cách tắm rửa, làm sạch da, thay quần áo khác.
Tại cơ sở y tế, sau khi khám chẩn đoán bệnh do côn trùng, thầy thuốc sẽ hướng dẫn điều trị tổn thương bằng các thuốc bôi: làm dịu da, sát khuẩn, kháng sinh có corticoid. Nếu bội nhiễm có mủ, loét, bôi các dung dịch màu như castellani, milian. Ngoài ra nên kết hợp uống kháng sinh như cephalexin, ampicillin… Uống kháng histamin như desloratadin, clarityne, telfast, cetirizin,…
Phòng bệnh
Để phòng bệnh, người dân nên thực hiện một số biện pháp sau: Sau vụ thu hoạch, buổi tối nên đóng kín cửa tránh côn trùng bay vào, không lộn quần áo khi phơi tránh côn trùng bò vào, không mặc quần áo có côn trùng bám vào, không diệt côn trùng trên da hay trên quần áo.
ThS.BS. Đào Mạnh Khoa