Bệnh bướu cổ địa phương đã được khẳng định trong y văn từ những năm đầu thế kỷ 17-18, nhưng phải đến đầu thế kỷ 19, các nhà y học trên thế giới mới khẳng định rằng căn nguyên của bệnh là do thiếu iốt.
Muối iốt rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em
Theo như vòng tuần hoàn iốt trong thiên nhiên thì iốt tồn tại nhiều trong nước biển, thuỷ hải sản của biển cả giàu iốt, còn những nơi cách xa biển thì hàm lượng iốt nghèo nàn hơn. Thực vật, động vật nuôi trồng ở những vùng thiếu iốt cũng không có iốt và con người khi ăn những thực phẩm này cũng sẽ bị thiếu iốt. Khoa học cũng đã chứng minh: thiếu iốt không chỉ gây nên bướu cổ địa phương mà thiếu iốt ở các mức độ khác nhau sẽ gây nên hậu quả khác nhau như: đần thần kinh, thiếu năng lượng trường diễn gây tác động xấu đến sức khoẻ lao động, giống nòi của đất nước. Rủi ro thay, nếu chẳng may trẻ em nào bị thiếu iốt nặng trong thời kỳ nằm trong bụng mẹ thì tổn thương não bộ là không tránh khỏi, hậu quả là chứng đần thần kinh sẽ xảy ra và bệnh không thể nào điều trị được khi bé ra đời, ít có thể sống sót quá 14 tuổi.
Kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 481/TTg ngày 2/11/1994, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cùng với các sở y tế địa phương, các ban ngành đã nỗ lực vận động người dân mua, bảo quản và sử dụng muối iốt. Kết quả là năm 2005, Việt Nam tuyên bố hoàn thành mục tiêu thanh toán các rối loạn thiếu iốt trong phạm vi toàn quốc. Đây là một nỗ lực lớn của ngành y tế cả nước và sự hưởng ứng kịp thời của người dân nên tỷ lệ bướu cổ trẻ em giảm, độ phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh lớn hơn 90%, đặc biệt kiến thức người dân về bảo quản, sử dụng muối iốt tăng rất cao.
Khi thực hiện dự án, thường bao giờ cũng gồm 3 giai đoạn: tấn công, củng cố và duy trì. Chính vì vậy, giai đoạn 1995-2000 chúng ta đặt quyết tâm phủ muối iốt nhằm cải thiện tình trạng thiếu iốt; giai đoạn 2001-2005 chúng ta tiếp tục củng cố hướng tới mục tiêu thanh toán các rối loạn thiếu iốt. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn chúng ta cần phải duy trì các thành quả đạt được. Với việc thiếu iốt cần phải xác định bổ sung liên tục, lâu dài vì do đặc tính phân bố iốt khác với các vi chất khác là không tồn tại sẵn có trong thiên nhiên. Iốt thường mất đi do tác động của môi trường sống và qua quá trình chế biến. Giai đoạn duy trì này không có hạn mức thời gian, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị y tế cơ sở phải có những giám sát hoạt động nhằm phát hiện những vấn đề và có hành động khắc phục một cách tích cực.
Nhìn lại quá trình hoạt động Dự án PC CRLTI trong những năm qua, chúng ta đã làm tốt ở hai giai đoạn tấn công và củng cố, nhưng giai đoạn duy trì chưa thực sự được như mong muốn. Hậu quả là ở một số tỉnh, vùng tỷ lệ sử dụng muối iốt giảm mạnh, tình trạng dinh dưỡng iốt đi xuống rõ rệt, nguy cơ thiếu iốt tái diễn là không tránh khỏi nếu không kịp thời khắc phục.
Tại sao lại có tình trạng trên? Theo suy nghĩ của cá nhân tôi là, do phần lớn tại các địa phương chỉ trông chờ vào các dự án quốc gia, chưa thấy có mấy địa phương chủ động tự xác định vấn đề y tế có ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng và từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết nhất là trong y tế dự phòng. Tôi nhận thấy, hiện thời các dự án y tế đều do BYT xây dựng và phân cho các tỉnh thực hiện, khi hết kinh phí thì các tỉnh hầu như cũng không hoạt động gì nữa.
Thiếu vi chất, đặc biệt thiếu iốt thường gây nên những tác hại tiềm tàng mà không thể phát hiện ngay được, hậu quả tình trạng thiếu iốt gây nên nếu xảy ra thương tổn não bộ trẻ em là không thể chữa được. Trong công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ cần cải thiện về trí tuệ, thể chất và như vậy càng không thể lơ là với việc bổ sung vi chất như iốt, sắt, vitamin A… Kết thúc bài viết này tôi xin lấy ví dụ tại làng Jixian ở phía Bắc Trung Quốc như sau: Vào trước năm 1978, làng này thường được coi là một “làng đần” vì trong suốt thời gian dài làng này không có ai trở thành giáo viên, y bác sĩ và tham gia quân giải phóng. Con gái, con trai làng này rất khó lấy chồng làng khác. Sức học của học sinh trong làng rất kém so với các trường lân cận (xếp 14/14). Tỷ lệ bướu cổ 80%, tỷ lệ đần 11%, thu nhập bình quân 43 NDT/người. Sau gần 10 năm phủ muối iốt (1986), con trai làng này đã tham gia quân giải phóng, một số trai gái làng đã trở thành giáo viên…, sức học của làng đã được cải thiện xếp thứ 3/14. Tỷ lệ bướu cổ 4,5%. Không còn có ai bị đần mới do thiếu iốt, thu nhập tăng lên trên 10 lần 550NDT/người. Qua ví dụ trên cho thấy, sự cải thiện sức khoẻ ở một làng tại Trung Quốc đã đem lại bước thành công rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
ThS. Lê Phong