Chậm phát triển tâm thần không có nghĩa là hoàn toàn mất tri giác, nên điều các em cần đến nhất vẫn là cơ hội để phục hồi và hòa nhập.
BS Phạm Quỳnh Diệp, Trưởng Khoa Khám trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết: “Trẻ chậm phát triển tâm thần cần được hưởng sự giáo dục đặc biệt phù hợp với trình độ phát triển. Phân loại đánh giá khả năng từng em, từ đó áp dụng các phương pháp trị liệu thích hợp: ngôn ngữ trị liệu, tâm vận động… ”.
Các em chậm phát triển tâm thần tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 – TPHCM đang nỗ lực học hỏi để hòa nhập với xã hội |
Chăm sóc khoa học
Tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4, các em chậm phát triển tâm thần được chia làm 6 lớp và được giảng dạy theo những giáo án riêng biệt. Lớp dành cho những em chậm phát triển tâm thần nặng tập trung giảng dạy về những kỹ năng thông thường như: vệ sinh cá nhân, tự ăn uống, để đồ đạc đúng nơi quy định… Với những em khá hơn thì có thể cho học chữ, học múa, hát… Tại trung tâm, cứ mỗi tháng một lần, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần sang khám, tư vấn cho phụ huynh cũng như theo dõi sát tình hình của trẻ để từ đó gia đình và nhà trường có hướng chăm sóc, giảng dạy phù hợp.
Anh Bùi Tấn Hiếu, nhân viên Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4, lại có một mối băn khoăn khác: “Nhiều đứa bé chậm phát triển tâm thần rất ít cơ hội ra ngoài, có khi do phụ huynh không có thời gian chăm sóc và có khi do họ muốn “giấu” đứa con không bình thường của mình”. Để giúp các em dạn dĩ hơn, trung tâm thường tổ chức những buổi dã ngoại tại Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên…; cho các em tham gia các hoạt động dành cho trẻ khuyết tật như Liên hoan Búp Mai Vàng (Nhà Thiếu nhi TPHCM), giao lưu văn nghệ với các trường bạn… Bên cạnh đó, điều mà mọi đứa trẻ chậm phát triển tâm thần đều cần đến ở những người xung quanh, đó chính là sự thông cảm và tình thương.
Hòa nhập bằng lao động
Các em học sinh từ khoảng 15 tuổi có khả năng nhận thức khá tại các trung tâm sẽ được tham gia các lớp nghề song song với học chữ, với các công việc tương đối đơn giản như: làm chổi, kết cườm, may vá. Hướng nghiệp cho các em chậm phát triển tâm thần đã đạt được một số kỹ năng nhất định qua quá trình điều trị, phục hồi là một phương án được nhiều trung tâm nuôi dưỡng, giáo dục trẻ chậm phát triển tâm thần lựa chọn. Trên thực tế, có những đứa trẻ đã hòa nhập được với cuộc sống. Các giáo viên ở trung tâm vẫn hay nhắc đến một cậu học trò cũ của trung tâm đang làm tại một công ty bảo vệ trên địa bàn quận, thường về thăm trường…
Nhưng không phải đứa trẻ đủ tuổi nào cũng đủ khả năng lao động. Tại Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật quận 4, việc “xét tốt nghiệp” cho các em học sinh tùy thuộc vào sức học và khả năng tiếp tục nâng cao trình độ của các em. Anh Bùi Tấn Hiếu cho biết thêm: “Trẻ chậm phát triển tâm thần thường có một điểm “bão hòa” trong quá trình học tập. Khi đó, trẻ đã đạt được những kỹ năng tối đa mà trí óc khiếm khuyết của chúng có thể tiếp nhận. Đấy là lúc các em sẽ tốt nghiệp”. Do mỗi em có khả năng tiếp thu khác nhau, nên có những trẻ “ra trường” từ mười mấy tuổi, có em hơn 20 vẫn còn tiếp tục theo học.
Điều mà những giáo viên chăm sóc trẻ chậm phát triển tâm thần trăn trở nhất là việc một số em khi đã tích lũy kỹ năng, hòa nhập đến một mức độ nào đó, phụ huynh cho rằng thế là đủ, bắt các em nghỉ học. Dù thực chất, với các em ấy, nếu được tiếp tục theo học sẽ hồi phục và hòa nhập tốt hơn nữa. Nhận thức chưa tới, họ không hiểu được rằng đứa con kém may mắn của họ cần quãng thời gian dài hơn nhiều lần so với trẻ thông thường để học và trưởng thành. Việc làm đó của phụ huynh đã vô tình khiến các em đánh mất cơ hội có được tương lai tốt hơn và gần với cuộc sống xã hội hơn.
Nỗ lực phi thường
Tuy trí óc tổn thương không cho các em cảm nhận thế giới như người thường, nhưng nhiều đứa trẻ chậm phát triển tâm thần đã ý thức tự tìm về cộng đồng bằng những cố gắng không ngừng.
Tại trường Giáo dục chuyên biệt Tương lai 1, có cô bé L. thường được các cô giáo nhắc đến. Lúc mới vào trường, em không thể đi đứng, chưa biết chữ hay làm toán. Nhưng từ những ngày đầu, em đã nhất quyết tự tập đi. Bàn tay gầy guộc vịn bàn ghế để chập chững những bước đầu tiên, rồi tiến đến những bước đầy nghị lực lên cầu thang, nhất quyết không cho cô bế vào lớp như các bạn yếu chân tay khác. Đến nay, L. đã có thể bước đi, những bước chân còn khập khiễng, nhưng đối với cha mẹ và những người chăm sóc em, đấy là phép mầu. Ở tuổi 13, em học được nửa chương trình lớp một cùng một vài phép tính đơn giản… điều mà chính các cô cũng không thể ngờ được ở một cô bé cách đây không lâu còn phải nhờ mọi người ẵm vào trường.
“Cậu bé quá giỏi!” – một vị khách nước ngoài xúc động thốt lên khi nhìn cậu bé D. ở lớp bán trú của Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động nằm sấp trên sàn, đôi tay yếu ớt cố gắng viết từng nét chữ, dù xiêu vẹo. Em đang giới thiệu tên các bạn cùng lớp cho vị khách lạ. D. có khả năng hiểu khá khi giao tiếp, nhưng không thể phát âm rõ tiếng do những dị tật nơi miệng. Cho nên giấy viết luôn là phương tiện hỗ trợ để em thể hiện những từ mà người đối diện không thể đoán ra, dù việc cầm bút với em rất khó khăn. Từng giọt mồ hôi lăn trên trán em thể hiện cậu bé đã cố gắng hết mức, một sự cố gắng có thể nói là rất lớn đối với một đứa trẻ bại não bị dị tật khá nặng ở các chi lẫn trí tuệ.
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM:
Cần để các em giao tiếp với xã hội
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần được giao tiếp để phát triển kỹ năng xã hội, thích nghi với cuộc sống và học hỏi để trưởng thành. Trẻ chậm phát triển tâm thần càng cần được tiếp xúc với xã hội nhiều hơn để nắm bắt những kỹ năng sống mà chúng vốn cần thời gian gấp nhiều lần để nắm bắt so với trẻ bình thường. Do đó, nếu các em nhỏ chậm phát triển tâm thần không được tiếp xúc nhiều với bên ngoài, nguy cơ xuất hiện những lệch lạc trong quá trình phát triển là khó tránh khỏi, nhiều đứa trẻ chậm phát triển tâm thần có những biểu hiện quá hiếu động, không tôn trọng các luật lệ, hung hãn… Đôi khi, sự hiếu động thái quá ấy chính là cách các em gây sự chú ý với người lớn, biểu hiện của đứa trẻ thiếu và đang cần sự quan tâm.