Nằm khiêm tốn trong ngõ phố Ngô Văn Sở, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), căn nhà số 13 là “đại bản doanh” của “Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ em đường phố xa mẹ”. Nơi đây quy tụ hơn 50 đứa trẻ đường phố, ở nhiều địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Yên,…
Những đứa trẻ ở chương trình có hoàn cảnh rất đặc biệt, có em thì bố mẹ bỏ nhau, có đứa bố ốm nặng, hàng ngày cả nhà sống nhờ vào số tiền ít ỏi của mẹ đi kiếm ve chai, có em bố mất ở với mẹ,… Ngoài một số đứa trẻ quê ở xa ăn ngủ tại căn nhà của chương trình, hơn một nửa trong số đó đều ở gầm cầu Long Biên, bãi Phúc Xá, bãi sông Hồng và trên những chiếc thuyền cũ nát, do bố mẹ mua của dân chài lưới, sửa làm chỗ ngủ.
Tấm lòng của một “Cựu trẻ em đường phố”
Ông Vũ Tiến-Chủ nhiệm chương trình bắt đầu câu chuyện với chúng tôi sau một lúc trầm ngâm, ông kể: “Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ em đường phố xa mẹ ra đời cách đây 21 năm (1989). Khi ấy, vợ chồng tôi và hai con nhỏ thuê cửa hàng ở số 65 phố Quán Sứ, bán cơm bình dân. Đến bữa ăn, có những đứa trẻ lang thang đi ngang qua quán xin cơm ăn. Thương bọn trẻ đói, nhếch nhác, tôi cho chúng ăn cơm mà không lấy tiền. Cứ như thế, ngày qua ngày, quán cơm nhà tôi bỗng dưng trở thành địa chỉ quen thuộc với những đứa trẻ lang thang ghé qua một cách tự nhiên”. Sau bữa cơm, bọn trẻ lại lang thang trên các con phố, làm đủ thứ nghề, từ ăn xin, đánh giày, nhặt ve chai… tối đến ngủ lang thang ở vỉa hè, gầm cầu, có đứa ở cùng cha mẹ ngoài xóm bãi Phúc Xá, Phúc Tân, sông Hồng. Trước hoàn cảnh đó, cùng với việc bọn trẻ rủ nhau đến xin cơm ngày càng đông mà lợi nhuận từ quán cơm không đủ để nuôi chúng, ông Tiến nghĩ ra một cách: đi nhận báo về cho bọn trẻ bán, lời lãi bao nhiêu, ông cho chúng hết và từ đây “Tổ bán báo xa mẹ” chính thức ra đời.
Ngày ngày cô Oanh vẫn gắn bó với các cháu trong “Lớp học nhân ái”.
Tiếng còi ô tô ngoài phố làm câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng. Giọng trùng xuống, ông Tiến nói điều vẫn giữ kín bấy lâu nay: Ông vốn cũng xuất thân từ trẻ em đường phố nên ông hiểu được nỗi tủi nhục, thiệt thòi của bọn trẻ. Cuộc sống của một “cựu trẻ em đường phố” đã thôi thúc ông tìm cách để những đưa trẻ có cái ăn, cái mặc mà không phải đi lượm ve chai hay trộm cắp. Với cố gắng không mệt mỏi, vợ chồng ông vừa tiếp nhận sự ủng hộ tự nguyện của bà con khu phố, người dân hảo tâm, những tổ chức xã hội trong và ngoài nước, vừa tích cực vận động sự trợ giúp khác để những đứa trẻ có nơi ăn, nơi ngủ. Cảm động trước những việc làm nhân ái của ông, tổ chức nhân đạo Trăng lưỡi liềm đỏ Thuỵ Sĩ đã mua tặng căn nhà số 13, phố Ngô Văn Sở làm nơi ở cho những đứa trẻ lang thang. Từ căn nhà này, ông cải tạo lại, dành tầng một, tầng hai làm nơi bán cơm văn phòng, cà phê, còn tầng ba làm nơi ở cho bọn trẻ.
Khi mà cái ăn tạm lắng xuống thì lại đến cái học, bởi vì những đứa trẻ lang thang từ bé đến lớn, đa số đều thất học. Một lần nữa, vợ chồng ông cùng những người dân hảo tâm lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cái chữ cho bọn trẻ.
Lớp học không tiếng trống
Cũng phấn trắng, bảng đen, bàn ghế, sách vở, tiếng cô giáo dạy học “i, tờ” nhưng “Lớp học nhân ái” có nhiều cái khác mà ở lớp học bình thường không có. Phòng học trên 30m2 song có đến bốn lớp học, từ lớp 1 đến lớp 4, vì các em ở lứa tuổi khác nhau nên lớp đành phải ghép. Giờ ra chơi không có tiếng trống. Trên chiếc bảng đen, chia làm bốn ô, mỗi ô một lớp, phía trái trên cùng có bốn chữ “Lớp học nhân ái”. Hết giờ học, cặp sách, bút, vở đều để lại tủ tại lớp vì nếu đem sách về chỗ ở trọ, khi cần tiền, những đứa trẻ sẵn sàng đem bán… Đây chính là những cái đặc biệt của lớp học này.
Hành trình đi tìm cái chữ cho bọn trẻ thật gian nan. Lúc đầu mở lớp chỉ có một mình cô giáo Vũ Thị Ngọc Oanh, vợ ông Tiến, là giáo viên Trường trung học cơ sở Ngọc Thụy, quận Long Biên lên lớp, chủ yếu học ngoài giờ và ngày nghỉ. Đến khi nghỉ hưu, cô dành hết thời gian cho việc dạy dỗ bọn trẻ. Thông cảm với hoàn cảnh đó, cô giáo Nguyễn Thị Hoà – đồng nghiệp cùng trường đã tự nguyện tham gia đứng lớp. Cả cô Oanh, cô Hoà đều dạy miễn phí, không có bất cứ một đồng tiền thù lao nào; xăng, xe đi lại và mua sách vở cho bọn trẻ, hai cô đều lấy từ tiền túi của chính mình.
Cô Oanh kể với chúng tôi: “Khi mới mở lớp, mỗi tuần học hai buổi. Lớp học ở ngay trên thuyền nhà cháu Mạnh ngoài bãi sông Hồng. Sau một thời gian do các cháu đến học ngày càng đông, lớp chuyển về mượn tạm lán của những thương binh ở chân cầu Long Biên. Sau đó, lán bị tháo dỡ, lớp học lại chuyển về mượn một phòng của Hợp tác xã Long Biên. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu lại bị giải toả. Sau năm lần bảy lượt chuyển đi, chuyển lại, cuối cùng lớp học được “định cư” hẳn về căn nhà số 13, Ngô Văn Sở”. Chuyển về chỗ học mới, ngoài số trẻ mồ côi ở tỉnh xa ăn, ngủ luôn tại đây, số còn lại bố, mẹ không muốn cho đi học hằng ngày vì phải kiếm ve chai, bán vé số, bán báo. Lúc đó cô Oanh đến từng nhà vận động bố, mẹ bọn trẻ để cho đến lớp học. Với lời hứa: buổi sáng xe ô tô đến đón, chiều đưa về nơi ở và nhận nuôi ăn trưa. Cùng số tiền trợ cấp 60.000 đồng/ tháng cho mỗi đứa trẻ và bữa ăn tối hàng ngày. Trước tấm lòng vị tha, tình thương dành cho trẻ cùng sự chu cấp tiền ăn, sách vở, quần áo mặc nên bố mẹ bọn trẻ đã đồng ý cho chúng đến lớp học.
Chứng kiến giờ học bài của “Lớp học nhân ái” mới thấy được công sức, lòng kiên trì của các cô giáo. Từ những đứa trẻ đường phố vốn sống tự do, lang thang, ăn nói tục tĩu, chửi thề bạt mạng,… qua một thời gian được giáo dục, uốn nắn, chúng như lột xác, ít chửi tục hơn, ăn nói ngoan hơn. Khi chúng tôi vào lớp học, tất cả các em đều đứng dậy lễ phép khoanh tay chào khách.
Rời khỏi căn nhà số 13, Ngô Văn Sở, hoà vào dòng người tấp nập ngược xuôi, những điều chúng tôi được nghe, được thấy vẫn như còn ám ảnh. Câu chuyện về một mái ấm của trẻ em lang thang, cơ nhỡ giữa lòng Hà thành như trong cổ tích. Câu chuyện cổ tích ấy đã và đang có những hồi kết có hậu. Từ mái ấm này, nhiều đứa trẻ được giới thiệu đi học nấu ăn, lái xe,… ra trường có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, điều đó tưởng chừng chỉ có trong mơ. Và những đứa trẻ trưởng thành từ đây đang góp phần giúp chính những đứa trẻ lang thang khác vươn lên trong cuộc sống.
Mong rằng, trong thời gian tới, mái ấm này sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, chung tay hơn nữa không chỉ của những cá nhân hảo tâm, tổ chức xã hội mà cần lắm sự đồng cảm, chia sẻ của cả cộng đồng để những đứa trẻ lang thang bớt đi sự thiệt thòi.
Khác với những chương trình nhân đạo khác được nhà nước đứng ra thành lập, cán bộ được trả lương, được cấp tiền nuôi dưỡng trẻ, có nguồn tài trợ,… Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ em đường phố xa mẹ hoàn toàn tự túc, nguồn tài chính duy trì hoạt động chủ yếu của chương trình do tiền bán hàng ăn, cà phê, cho thuê xe du lịch của gia đình ông Tiến. Bên cạnh đó, chương trình cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, sự giúp đỡ của tổ chức Đất Lành (Thụy Sĩ), Nhật Bản, những người hảo tâm trong khu phố,… |