Với giá chưa đầy 2.000 đồng, kẹo mút phát quang gần đây đang rộ lên ở nhiều trường tiểu học, trung học trên địa bàn Hà Nội, vì trẻ vừa ăn lại vừa chơi được. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về khả năng các em ngộ độc khi bẻ thanh kẹo này.
Tại tiểu học Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội, chị Thoa, đang chuẩn bị đưa cô con gái học lớp 4 về, cho biết: “Tôi cũng chẳng biết bọn nó ăn những quà vặt gì, cứ cho nó tiền nó muốn mua gì thì mua thôi. Chứ mấy thứ kẹo phát sáng này chắc lại lại là đồ độc hại từ Trung Quốc”. Nói dứt câu chị bắt cô con gái vứt ngay que kẹo mút phát sáng đang mút dở.
Theo cháu Phương, con chị Thoa, kẹo này có thể gọi là kẹo phát quang, kẹo phát sáng thậm chí là kẹo “ma”. Rất nhiều cửa hàng bán loại kẹo này. Ăn kẹo xong bẻ cái phần que nhựa là nó sẽ phát sáng. Ngoài ra, cũng có thể bẻ trước khi ăn, vừa ăn kẹo mút vừa phát sáng rất đẹp.
“Lớp em bạn nào cũng thích ăn, vừa ngon lại vừa làm đồ chơi được. Cứ hết giờ học là bọn em lại ùa ra mua. Nó có nhiều màu lắm, vàng, hồng, xanh… trông rất đẹp”, Phương hồ hởi nói.
Dạo một vòng quanh các cổng trường học tại Hà Nội và các chợ nhỏ, phóng viên VnExpress.net có thể dễ dàng tìm mua loại kẹo này, với đủ màu sắc phát quang. Giá bán lẻ chỉ khoảng 1.500 đồng một que, nếu mua một hộp 20 que thì rẻ hơn chỉ có 1.300 đồng một que. Tuy nhiên, trên bao bì que kẹo, cũng như hộp đều không có một dòng chữ tiếng Việt nào, tất cả đều bằng tiếng Anh và cũng không rõ do nước nào sản xuất.
Theo hướng dẫn vẽ trên vỏ, chỉ cần bẻ phần que nhựa, sau đó lắc nhẹ nó sẽ tự phát sáng. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng biết điều này. Có nhiều học sinh lớp một không thể bẻ được đã dùng răng cắn.
Một chủ cửa hàng tạp hóa, gần tiểu học Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Học sinh thích mấy thứ đồ này lắm. Đi học về là chúng ghé vào mua. Ngày ít ngày nhiều nhưng hầu như ngày nào cũng có học sinh hỏi mua. Cũng không độc đâu vì có một lớp nhựa bao kín chất lỏng không chảy ra ngoài được đâu”.
Trước cổng Tiểu học Dịch Vọng A, Cầu Giấy, Hà Nội cũng có rất nhiều hàng rong bán mặt hàng này. Cứ vào giờ ra chơi các em lại chen nhau đứng chìa tiền qua những chấn song cửa để hỏi mua quà vặt.
Như Lan, học sinh lớp 5, Tiểu học Cầu Diễn cho biết: “Trước kia em cũng hay ăn kẹo phát sáng nhưng giờ em không hay ăn nữa. Một lần mẹ thấy em cầm cây kẹo mút, bảo là ‘đồ vớ vẩn’ và cấm em không được ăn”.
Nhiều chủ cửa hàng cho rằng loại kẹo này tuyệt đối an toàn, vì “chất phát quang được bọc trong một lớp nhựa cứng, chỉ là cho đẹp chứ không gây độc hại gì”.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quyền, Viện khoa học Vật liệu cho biết, khả năng chất phát sáng này rò ra ngoài và trẻ vô tình mút phải là rất thấp. Vì trước khi cho chất phản quang vào trong ống, người sản xuất phải hút hết chân không, bơm dung dịch vào rồi bịt kín đầu lại.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo: “Có thể có trẻ sẽ đập ống này ra nghịch, để xem chất bên trong là gì, điều này phải rất cẩn thận. Vì về nguyên tắc, bất cứ chất phản quang gì cũng đều không tốt với sức khỏe. Còn cụ thể đây là chất gì, ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thì cần phải kiểm tra”.
Tại Hà Nội, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế lấy mẫu kẹo phát quang gửi đi xét nghiệm xem có hóa chất độc hại gì hay không. Trong thời gian tới sẽ sớm có kết quả.
“Đồng thời, Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra trên thị trường. Nếu phát hiện có thể tịch thu và tiêu hủy vì đây là hàng lậu, không có nguồn gốc rõ ràng. Loại kẹo này chủ yếu được bày bán nhỏ lẻ”, ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội nói.
Tại Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thành phố cũng đã gửi mẫu kẹo phát quang lên Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm miền Trung để kiểm nghiệm thành phần chất phát sáng. Đồng thời, cũng tiến hành kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy các loại kéo mút phát quang vì không có nguồn gốc rõ ràng. Thực tế đến nay, số lượng kẹo phát quang chi cục tịch thu được rất ít, chỉ vài chục cây.