Bề ngoài không khác mấy so với những loại kẹo mút thông thường nhưng loại kẹo mút này có ma lực cuốn hút trẻ em kì lạ chính bởi khả năng phát sáng đầy bí ẩn trong những que cầm. Phần lớn học sinh lấy làm thú vị mỗi khi ngậm loại kẹo này mà không biết mình đang giỡn với nguồn độc.
|
Kẹo “ma” hiện giữa ban ngày
Gọi là “kẹo ma” hay “kẹo đèn” hoặc là kẹo quang là bởi que cầm của nó phát ra những ánh sáng đủ mầu mỗi khi trời tối. Học sinh đặc biệt là lứa tuổi tiểu học bị chính thứ ánh sáng huyền bí này thu hút lao vào mua như “thiêu thân”. Nhiều phụ huynh chẳng mấy phiền lòng khi con em họ mua và ngậm loại kẹo này.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang vào cuộc để kiểm tra thông tin về loại kẹo này. Theo ông Hàn Tự Do, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện Sở Y tế Hà Nội dù chưa có kết quả nhưng vẫn khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng các loại bánh kẹo không nguồn gốc xuất xứ này. Bởi vì những độc tố chứa trong thanh kẹo có thể gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt khi cắn và mút vào miệng. |
Kẹo mút phát sáng mới xuất hiện tại thị trường từ thời điểm cận tết Canh Dần và nhanh chóng được ưa chuộng trong những hàng quà ven đường ở cả nội và ngoại thành. Nhưng có lẽ dễ kiếm nhất lại ở ngay những quán hàng nước, quán hàng bán rong trước các cổng trường học. Tất nhiên “thượng đế” của những mặt hàng này là các cô cậu học sinh. Giá bán rất hợp với túi tiền của những thực khách nhí này.
Khi vào hỏi mua kẹo “ma” tại một quán hàng trước cổng trường THCS Đông Thái (Q.Tây Hồ) tôi thấy trên giá hàng này ngoài những túi bim bim, một vài chai nước khoáng, mấy thứ đồ chơi nhựa rẻ tiền thì phần lớn là những bịch kẹo phát quang. Chúng được đóng trong những gói với mau sắc sặc sỡ, đủ các thứ hoa văn. Bề ngoài không khác mấy so với những loại kẹo mút thông thường nhưng loại kẹo mút này có ma lực cuốn hút trẻ em kì lạ chính bởi khả năng phát sáng đầy bí ẩn trong những que cầm. Giá bán lẻ là 2.000 đồng một chiếc kẹo. Nếu mua cả hộp 20 chiếc có giá 35.000 đồng. Theo chủ quán, mặt hàng này thời điểm gần đây bán rất chạy nhiều khi “cháy hàng”, nhất là lúc học sinh tan học.
Không chỉ có mặt tại các trường nội thành, loại kẹo này còn thấy nhiều ở trước cổng các trường ven đô. Tại Trường tiểu học Cổ Nhuế B (Từ Liêm), Trường tiểu học Mễ Trì Hạ (Từ Liêm) vẫn rất đông học sinh mua ngậm loại kẹo này.
Dọc hai bên đường vào Trường tiểu học Vạn Phúc – Hà Đông cũng rất dễ dàng mua được kẹo quang. Những tốp học sinh vừa đi vừa ngậm kẹo có vẻ rất khoái chí. Thỉnh thoảng lại giơ cây kẹo lên cao vẫy vẫy quan sát, bình luận.
Theo chị T. chủ của hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) thì hầu hết chủng loại kẹo này được nhập từ Trung Quốc với giá từ 500-800đ một chiếc (mỗi hộp có từ 30 – 40 cái). Một túi có giá khoảng 35.000 đồng. Khi nhập từ các đầu mối lớn tất cả được bán theo cân với giá đồng loạt là 40.000 đ/1 cân.
Kẹo “ma”, địa chỉ cũng “ma”!
Đa số học sinh khi được hỏi đều cho biết: thích ngậm loại kẹo này vì vừa ăn được lại vừa chơi được. Nhiều em khoe có cả một bộ sưu tập các que kẹo ở nhà. Buổi tối mang ra nghịch thấy chúng phát sáng đủ mầu sắc.
Theo em Hưng – học sinh Trường THCS thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm) cho biết thêm: Que kẹo còn có khả năng phát ra tiếng nổ nếu biết cách búng xuống nước. Chính vì thế mà học sinh đua nhau mua kẹo về để thi búng que xem ai nổ to hơn.
Quan sát que gắn vào những viên kẹo này dễ nhận thấy chúng làm bằng ống nhựa trong đó có một dung dịch mầu. Nếu cắt ống nhựa trong bóng tối, dung dịch chảy ra có mùi hăng hắc, nhầy nhầy, di xuống đất tạo nên những vệt sáng như chất trong bụng của con đom đóm. Loại que này rất giống với những vòng dạ quang thường được bán rong trên bờ hồ.
Phóng viên báo SK&ĐS mang một gói kẹo mút phát quang mua trên phố về nhờ anh Cao Chí Cương người bạn Trung Quốc đang theo học khoa Phương Đông học tại trường Đại học quốc gia dịch các dòng chữ trên bao bì. Cương cho biết chỉ thấy ghi “kẹo hương dâu” dòng chữ nhỏ dưới bao bì có ghi “không cắn que”… không thấy ghi nơi sản xuất, thành phần hay hạn dùng.
Cao Chí Cương cho biết loại kẹo này bị cấm bán ở các thành phố lớn bên Trung Quốc. Đa số loại kẹo này được làm thủ công (không giấy phép) nhiều nhất ở Phúc Kiến, Quảng Đông và đem đi tiêu thụ tại các vùng nông thôn, khu vực biên giới. Ngay những cơ sở sản xuất này cũng phải liên tục thay đổi địa điểm tránh việc cơ quan chức năng kiểm tra. Những địa chỉ và số điện thoại ghi trên bao bì đều là số “ma” cả.
Để có được ánh sáng ma quái phát ra từ que kẹo, tạo ra sức hút đối với trẻ em, người ta đã sử dụng đến chất hoá học như peroxide, este và thuốc nhuộm huỳnh quang. Tuy có lượng chất độc nhỏ nhưng nếu ăn phải vẫn có thể gây buồn nôn, choáng đầu… thậm chí ngất xỉu. Nhất là đối với trẻ em, tiếp xúc với chất độc này trong một thời gian dài rất nguy hiểm cho sức khỏe.