Mỗi đứa trẻ có một tốc độ phát triển riêng. Tạo điều kiện để con có những trách nhiệm mới hoặc cố gắng tự vượt qua những thử thách khó khăn chính là một trong những cách giúp bạn đánh giá được khả năng và tính cách của bé. Nhưng việc gì thì cũng đều cần có khởi đầu.
Dưới đây là một vài lời khuyên của Tiến sĩ Adele M. Brodkin nhằm giúp các bậc phụ huynh chuẩn bị cho con mình sẵn sàng để tiến thêm một bước tự lập hơn:
Tự chuẩn bị quần áo
Tất cả chúng ta đều nên chuẩn bị quần áo từ tối hôm trước. Hãy tập cho con thói quen tốt này từ khi bé mới chuẩn đi học bằng cách để bé cùng chọn trang phục cho ngày hôm sau: “Theo con thì ngày mai nên mặc áo màu gì? Mình nên mang giày hay đi xăng-đan nhỉ?” Nêu lên các lựa chọn sẽ giúp bé học cách đưa ra những quyết định đúng đắn. Việc làm này vừa giúp con bạn phát huy tính tự lập vừa vẫn đảm bảo bé sẽ không mặc quần áo ngủ và đi dép bông đến trường.
Tự làm bài tập về nhà
Lý tưởng nhất là con bạn có thể tự làm bài tập về nhà ngay khi bắt đầu đi học; còn bạn sẽ chỉ là người sẵn sàng giải đáp những câu hỏi của con, động viên, khuyến khích bé trong học tập. Ở mỗi cấp lớp, bạn nên giúp con bước vào năm học mới bằng cách kiểm tra xem bé học thế nào; sau đó, cân nhắc về tính siêng năng trong học tập, cách sắp xếp và thái độ học tập của con bạn trước khi đưa ra lịch kiểm tra thường xuyên.
Viết thiệp cảm ơn
Việc này nên bắt đầu ngay khi con bạn vừa đủ lớn để hiểu về khái niệm quà tặng. Ngay cả khi bé chưa biết ký tên mình, vẫn hãy để bé vẽ hay bằng cách nào đó tạo một “dấu ấn” vào tấm thiệp cảm ơn do bạn viết. Hãy làm điều này như một cách hồi đáp tự nhiên bất cứ khi nào bạn hoặc con của bạn nhận được một món quà; biến nó thành một thói quen để đến độ tuổi học trung học, tất cả những gì bạn phải làm chỉ là nhẹ nhàng nhắc con gửi thiệp cám ơn người đã tặng quà hoặc giúp đỡ bé.
Chuẩn bị cặp sách
Con bạn có thể nghĩ chiếc ba lô/ cặp sách như một chiếc thùng rác, sở thú, khu vườn hay một nhà kho bí mật của riêng bé. Vì vậy, việc dạy cho con cách giữ gìn vệ sinh và sắp xếp ba lô/ cặp sách của bé là một bài học quan trọng. Bạn nên bắt đầu bằng cách cùng con sắp xếp các món đồ trong cặp, trong một vài tuần. Sau đó, để không quá phê phán hay chỉ trích, cũng hãy dọn túi xách của chính bạn trong khi con dọn cặp sách của con. Khi bé đã bắt đầu học được cách sắp xếp và dọn dẹp cặp của mình, bạn có thể áp dụng cách quản lý “thoáng” hơn và tự nguyện tự giác hơn bằng cách chỉ hỏi xem con đã “hoàn thành” công việc chưa.
Thể dục thể thao
Tập thế thao nên là một phần trong cuộc sống của con bạn ngay từ nhỏ. Bạn nên khuyến khích bé tham gia vào các trò chơi vận động ở trường, ở các sân chơi và cùng nhóm bạn chơi thể thao… Các bé bước vào độ tuổi đến trường có thể tham gia vào các phòng tập có người hướng dẫn để học về sự cân đối và bắt đầu được huấn luyện những môn thể thao khác nhau.
Không nên để con bạn, ở bất cứ độ tuổi nào, tự tập những môn thể thao đòi hỏi nhiều kỹ năng và sức mạnh như nâng tạ mà không có sự hướng dẫn của huấn luyện viên hoặc người chuyên nghiệp; đồng thời bố mẹ cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hay các chuyên gia y tế trước khi cho bé tham gia vào những môn thể thao như vậy.
Khi con bạn lớn hơn, hãy bảo đảm rằng bé duy trì được một chế độ hoạt động thể chất cân bằng và khỏe mạnh, cũng như được cung cấp đủ dinh dưỡng chứ không phải là sống một lối sống ít vận động rồi sau đó bị ám ảnh cực đoan về cân nặng của mình.
Tập xe đạp
Hãy giúp bé bắt đầu tập xe đạp với loại xe có 2 bánh phụ. Vào thời điểm bé được 5 -7 tuổi, bạn sẽ có cảm giác rằng bé đã có thể bỏ những bánh phụ này. Nếu con bạn đồng ý, hãy cho bé thử. Đừng ép bé phải thực hiện điều này nếu bé vẫn chưa sẵn sàng, nhưng hãy cố gắng khiến bé cảm thấy an toàn bằng cách cho bé chạy xe trên quãng đường thoáng đãng, ít phương tiện đi lại, ít chướng ngại vật và bạn có thể ở bên cạnh để đỡ kịp thời khi con bị té ngã.
Tự tắm
Hãy cho bé làm quen dần với sự tự lập trong các công đoạn của việc tắm táp. Có thể bắt đầu bằng cách để cho con tự tắm dưới sự quan sát của bạn. Bước tiếp theo là để bé tự tắm mà không có sự quan sát, nhưng không khóa cửa buồng tắm và bạn thường xuyên ghé mắt kiểm tra sau mỗi vài phút. Con bạn sẽ có thể tốt nghiệp lớp tự tắm trước khi tốt nghiệp cấp 1, và biết đâu rồi sẽ đến lúc bạn phải thốt lên, “Con lại tắm nữa à?”
Chuẩn bị thức ăn
Một số bé đã sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ này ngay từ lúc được 7 hoặc 8 tuổi. Trước khi làm được điều đó, con bạn phải biết cách lựa chọn những thực phẩm thích hợp để tránh tình trạng bé sẽ chọn bánh quy để ăn trưa. Hãy quan sát cách con tự chọn các món ăn để xem bé có thực sự biết chọn thức ăn chưa. Thay vì một câu hỏi chung chung rằng con muốn ăn gì vào bữa trưa, hãy đưa ra những lựa chọn là những loại thực phẩm đủ chất và “đàng hoàng”, kèm với đó là vài món ăn vặt như trái cây hay kẹo bánh. Sau khi đã lựa chọn xong, chính bé có thể tự chuẩn bị (gói) những món ăn ấy để đem theo đến trường. Để mắt đến những lựa chọn của con trong vài tuần cho đến khi bạn biết bé hoàn toàn có thể tự làm điều đó một mình.
Sử dụng lò vi sóng
Các bé học năm cuối của tiểu học và bước vào trung học đã có thể sẵn sàng sử dụng lò vi sóng. Nhưng trước tiên, bạn nên hướng dẫn kỹ lưỡng cách sử dụng và tạo cơ hội cho bé tập sử dụng dưới sự giám sát của người lớn. Đồng thời, bạn cũng phải chắc chắn rằng con bạn biết rõ những gì có thể và những gì không thể đưa vào lò vi sóng (ví dụ, tuyệt đối không bao giờ đưa những thứ bằng kim loại vào lò, chỉ thực phẩm cần được làm nóng…)
Tự làm bữa sáng cho mình
Nhiều học sinh lớp Một đã có thể tự lo bữa sáng cho mình. Khoảng 7 tuổi, con bạn đã có thể chuẩn bị được một bữa ăn sáng đơn giản (không phải nấu nướng) với: sữa với ngũ cốc, trái cây, nước ép hoa quả, sữa chua. Bé cũng cần hiểu rằng việc tự lo cho bữa sáng cũng bao gồm cả việc dọn rửa sau đó. Đối với những bé đã học đến các lớp cuối của tiểu học, bé có thể đã chuẩn bị được bữa sáng bằng máy nướng bánh mỳ hay lò vi sóng. Lúc đầu phụ huynh nên theo dõi và hướng dẫn cách thức sử dụng các thiết bị này cho đến khi bạn tự tin rằng con mình đã hoàn toàn có thể tự làm việc này một cách độc lập.
Chọn sách
Đối với các bé ở độ tuổi sắp đi học, bạn hãy khuyến khích bé chọn những quyển sách mà bé muốn đọc (hoặc muốn ba mẹ đọc cho nghe). Việc để cho bé tự lựa chọn sách sẽ giúp cảm nhận được rằng đọc sách là một điều thú vị. Để đảm bảo rằng con bạn đang đọc những quyến sách phù hợp, hãy bắt đầu bằng cách giới hạn sự lựa chọn của bé trong số rất nhiều sách ở thư viện. Hãy để con bạn lựa chọn hai tựa sách ở kệ/ khu vực sách dành cho lứa tuổi của bé. Đến khi đi học, bé có thể xem thêm sách trong thư viện trường.
Khi bé lớn hơn nữa, hãy quan tâm đến những quyển sách mà bé có thể tự mượn hay tự mua. Thông qua những buổi trò chuyện cởi mở và không phán xét, bạn hãy trao đổi với con mình về những quyến sách mà bé thích đọc, và quyển sách viết về điều gì. Hãy nhớ: tôn trọng và không phán xét!
Ngủ xa nhà
Tính cách của con bạn là yếu tố quan trọng nhất quyết định xem bé đã sẵn sàng ngủ xa nhà hay chưa. Bắt đầu từ 7 hoặc 8 tuổi, bạn có thể để bé thử xem, nhưng đừng thất vọng nếu lần đầu tiên này không được thành công như bạn muốn. Tốt nhất là lần ngủ xa nhà đầu tiên nên diễn ra tại nhà của họ hàng hay bạn bè thân thiết, và cũng không cách nhà bạn quá xa. Đó là một sự phòng xa cần thiết vì bạn có thể bị dựng dậy vào nửa đêm khi bé con… đòi về.
Theo Webtretho