Các chuyên gia ở Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh, thuộc ĐH Wisconsin Mỹ vừa cung cấp một số khuyến cáo bổ ích về việc chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng về sức khỏe mang tính dài kỳ đối với nhóm trẻ này.
1. Các vấn đề có ảnh hưởng đến trí thông minh và học tập
Theo nghiên cứu mang tên Nhận thức và phát triển nhận thức ở nhóm trẻ sinh thiếu tháng đăng tải trên tạp chí Padiatrics của Mỹ số ra gần đây, nhóm trẻ sinh thiếu tháng là nhóm gặp nhiều rủi ro về thể chất lẫn tinh thần, kể cả mang tính ngắn hạn lẫn dài hạn so với nhóm sinh đủ tuổi.
Cụ thể, 45% số trẻ sinh thiếu tháng có trọng lượng dưới 1,7 kg gặp ít nhất một khuyết tật ảnh hưởng đến việc học hành, sự cố thường gặp:
- Quá trình phối hợp các hoạt động của bản thân trong học tập, như viết, vẽ, làm các bài tập xếp hình khó khăn.
- Gặp khó khăn về ngôn ngữ: Khó khăn theo tuân thủ các hướng dẫn của thầy cô, khó đọc, khả năng nhớ từ vựng kém.
- Sự cố về trí nhớ: Trí nhớ kém, thực hiện các phép tính khó khăn so với những đứa trẻ sinh đủ tháng.
2. Khó khăn trong cư xử
Các khó khăn trong cư xử ở trẻ sinh thiếu tháng thường liên quan, ảnh hưởng đến khả năng học tập.
Ngoài ra do nhóm trẻ này gặp nhiều thiệt thòi nên được cha mẹ nuông chiều, phát triển nhiều thói quen bất lợi và khi đi học không theo kịp chúng bạn, hiện tượng thường gặp như:
- Chơi bời nhiều.
- Tính khí khác thường
- Từ chối tuân thủ nội quy của lớp
- Nói to, gào thét
- Không có khả năng kiên trì, chơi và học trong thời gian kéo dài
- Khó tập trung
- Bẽn lẽn, xấu hổ quá mức…
Để hạn chế những tật này, cha mẹ không nên nuông chiều con cái quá mức, nên áp dụng kỷ luật hay quy định giống như những đứa trẻ sinh đủ tháng. Nếu những tính cách trên vẫn phát triển theo chiều hướng xấu thì cần đưa trẻ đi khám và tư vấn bác sĩ.
3. Gặp khó khăn về thị lực
Đối với nhóm trẻ sơ sinh thiếu tháng khi phát triển thường gặp một số sự cố về thị lực như sau:
- Chứng giảm sức nhìn
- Khả năng thị lực và phân biệt màu sắc kém
- Chứng giật cầu mắt
- Thị lực, tầm nhìn giảm
- Lác mắt (có thể ở một hoặc cả 2 mắt)
Triệu chứng thường gặp:
- Mắt nhấp nháy liên tục
- Thường hay liếc ngang (sau 3 tháng tuổi)
- Kết cấu mắt không bình thường, thường xuất hiện kết cấu đục hoặc màu trắng trên con ngươi
- Mi mắt sụp
- Quá mẫn cảm với ánh sáng
Cách khắc phục: Nếu nghi trẻ mắc các tật trên nên đưa đi khám, hầu hết các sự cố này có thể khắc phục được bằng cách đeo kính áp tròng hoặc các phương pháp thích hợp khác.
4. Vấn đề về thính lực
Để đánh giá sức nghe nhóm trẻ sinh thiếu tháng, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến các biểu hiện sau :
- 3 tháng tuổi: Trẻ thường không nhận biết được âm thanh của mẹ, không biết quay đầu để hưởng ứng lại âm thanh.
- 6 tháng: Không biết chơi các trò có phát ra âm thanh hoặc không biết cách tạo ra âm thanh.
- 9 tháng : Khi mọi người gọi không biết quay đầu trả lời.
- 12 tháng : Không biết gọi mẹ hoặc những lời bập bẹ tương tự.
- 18 tháng tuổi: Trẻ không biết hưởng ứng với những yêu cầu hoặc hướng ứng những âm thanh, nhất là âm nhạc phát ra xung quanh.
- 24 tháng tuổi: Phát âm khó khăn và không hiểu những người xung quanh nói gì, không biết tuân theo các chỉ dẫn đơn giản.
Cách khắc phục : Nên áp dụng liệu pháp đọc và nghe để giúp tăng cường khả năng giao tiếp cho trẻ.
Các khuyết tật về thính lực có thể khắc phục bằng cách đeo tai nghe trợ thính, nếu ở thể nặng có thể phải áp dụng các phương pháp giao tiếp khác, nhất là ngôn ngữ cử chỉ và bằng cách nhìn miệng đoán âm.
5. Sự cố về răng lợi
Những đứa trẻ sinh thiếu tháng thường gặp các sự cố về răng lợi sau đây:
- Quá trình tạo men răng không bình thường.
- Răng mọc chậm.
- Dễ mắc bệnh sâu răng, răng có hốc ở chân.
- Ăn uống, nhất là nhai cắn thức ăn gặp khó khăn.
Các sự cố về men răng thường nhỏ và khó nhận biết được, trừ trường hợp răng xỉn biến màu hoặc dạng răng bất thường. Răng mọc lệch, không đều gây ảnh hưởng đến việc ăn uống phát âm.
Nên đưa trẻ đến bác sĩ áp dụng kỹ thuật đeo vòng ép răng, điều trị các loại bệnh có liên quan đến răng. Nên tập cho trẻ thói quen đánh răng từ khi còn nhỏ, mỗi ngày nên đánh 2 lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
Hạn chế thói quen xấu ảnh hưởng đến quá trình phát triển của răng như cắn, mút ngón tay, ăn nhiều đồ ngọt, ngậm đồ ngọt, bú khi đang ngủ v.v…