Đứa trẻ ra đời làm gắn kết hơn các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những gia đình nhiều thế hệ chung sống. Nhưng cũng chính đứa trẻ đó lại là nguyên nhân nảy sinh không ít mâu thuẫn giữa mọi người, nhất là những người trực tiếp chăm sóc. Nếu không dung hòa được, cái chuyện tưởng như vặt vãnh ấy cũng là nguyên nhân gây ra những điều đáng buồn trong cuộc sống gia đình.
Một chị kể, khi mới về làm dâu, chị và mẹ chồng khá hợp nhau. Chị từng cảm thấy mình quá may mắn khi được mẹ chồng quan tâm, chăm sóc như con gái. Rồi chị có con. Cục cưng ấy trở thành tâm điểm của mọi vấn đề. Mọi người tranh nhau để được bế cháu, được nâng niu thành viên nhỏ ấy. Lúc đầu chị cũng rất vui vì mọi người yêu quý con mình. Nhưng rồi, mỗi người mỗi ý về cách chăm cháu, cứ rối cả lên. Đặc biệt là mẹ chồng chị, mẹ chị nhất quyết muốn chăm cháu theo ý mình, tức là theo cái cách bà đã nuôi con. Trong khi chị lại có quan điểm khác, chị muốn nuôi dạy cháu theo những gì được học từ các khóa làm cha mẹ, chăm sóc trẻ theo khoa học. Cháu mới chưa được ba tháng tuổi, bà đã quấy bột cho cháu ăn, bảo cho nó chắc dạ, trong khi khoa học nói chỉ nên ăn dặm lúc năm đến sáu tháng tuổi. Những ngày nắng chị muốn đưa con ra ngoài để nó dạn nắng dạn gió và bổ sung vitamin D, bà lại bảo để nó ở nhà, cứ lôi nó ra ngoài ốm đau thì ai chăm… Từ chỗ hợp nhau, hai mẹ con ngày nào cũng xảy ra cãi vã, làm không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề.
Đúng là không ít gia đình đã rơi vào tình trạng cãi vã nhau chỉ vì cách chăm sóc thành viên bé xíu ấy. Ai cũng nhất mực làm theo ý mình, bảo vệ quan điểm của mình. Những người bà thì luôn cho rằng kinh nghiệm của mình là đúng, người mẹ trẻ lại nói rằng cách nuôi ấy lạc hậu, không khoa học. Không chỉ mẹ chồng nàng dâu, ngay mẹ đẻ và con gái cũng không ít gia đình xảy ra lục đục vì cách chăm trẻ. Bà Ân sau hai tháng đến ở với con gái chăm thằng cháu ngoại đùng đùng bỏ về. Nguyên nhân cũng chỉ bởi cô con gái không hài lòng vì cách bà chăm cháu. Bà than thở: Mình làm gì nó cũng bảo là không được. Nó đi làm về muộn, thằng bé không chịu uống sữa, mình pha bột cho ăn, về nó lại bảo “bà cho cháu ăn thế làm sao cháu lớn được, tuổi này một ngày chỉ ăn hai bữa bột thôi, uống nhiều sữa mới dễ hấp thụ”. Mình làm gì nó cũng bảo “Mẹ lạc hậu quá. Làm thế là không đúng”… Thế thì để cho nó chăm cho khoa học.
Bé Tít nhà chị Duyên cũng là con đầu cháu sớm nên được cả hai bên nội ngoại dành trọn tình yêu thương chăm sóc. Chị rất muốn tự tay chăm con nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm, thời gian và kiến thức. Nhờ bà thì chị lại sợ không đúng ý, sợ con sẽ yêu bà hơn yêu mẹ. Chính vì thế chị cứ thấy hậm hực khi mẹ chồng ở bên Tít. Yêu con, thương con nhưng chị em lại không kiềm chế được cảm xúc và có những hành vi phản kháng quá mức trước cách chăm sóc của mẹ chồng, mặc dù nhiều lúc chị thấy cách của mình chưa chắc đã đúng. Có lần thằng bé bị sặc, mẹ chồng chị vuốt ngược lưng rồi ấn nhẹ đầu cháu xuống để nó nôn thốc nôn tháo ra. Chị gắt: “Sao mẹ lại làm thế, mẹ phải vuốt xuống để nó xuôi chứ, ăn được tý thì nôn hết cả ra”. Nói rồi chị đẩy mẹ ra, giằng lấy con, cố gắng để ngăn nó nôn. Thằng bé càng khóc dữ vì sặc lên mũi. Mẹ chồng chị bảo “để mẹ bế cháu cho”, thì chị gắt “con con để con bế”. Lúc bình tĩnh lại rồi, chị mới nhớ đến lời một bác sỹ tư vấn cách giúp trẻ chống sặc vào phổi đúng như cách mẹ chị làm. Nhưng chị không chịu thừa nhận là mình đã sai.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc dung hòa cách chăm sóc trẻ không phải là việc làm quá khó nếu mỗi người tự bớt đi cái tôi của mình. Có nhiều gia đình đã biết bình tĩnh ngồi lại với nhau, chia sẻ những quan điểm khác biệt đó và tìm cách làm cho vấn đề trở nên dễ dàng hơn. Điều quan trọng cuối cùng là muốn tốt cho đứa bé, nên mỗi người phải nhún nhường nhau và thấu hiểu nhau. Sống như thế nào để thành viên nhỏ luôn làm gia đình rộn rã tiếng cười, đó là cả một nghệ thuật không khó, nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra.
Theo Báo Kinh Tế Đô Thị