Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã sớm hình thành khả năng sáng tạo. Vì thế cha mẹ cần chú ý đến các giai đoạn phát triển của bé để giúp con mình phát triển tối đa khả năng này.
Ở mỗi độ tuổi, trẻ có một sự phát triển về trí não và khả năng sáng tạo khác nhau, do vậy cha mẹ cũng cần có các phương pháp khác nhau để kích thích sự sáng tạo cho trẻ.
1. Từ 0 đến 3 tháng tuổi:
Ở độ tuổi này, trẻ có thể nhận ra giọng nói bố mẹ, người chăm sóc gần gũi, nâng đầu và nhướn người khi nằm sấp, biết hóng chuyện, có thể tự an ủi, bày tỏ thái độ hoặc giận dữ khi không vừa ý. Với độ tuổi này, chúng ta có thể kích thích trẻ bằng cách:
- Cung cấpdinh dưỡng đầy đủ, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiêm chủng đúng thời hạn tại một trung tâm chăm sóc y tế.
- Nói hoặc hát cho con bạn trong mọi tình huống tại gia đình: lúc thay quần áo, lúc tắm, lúc ăn, lúc chơi… gọi trẻ bằng tên của trẻ.
- Cung cấp những vật thể nhiều màu sắc với những hình dạng kích thước và loại vải khác nhau. Tuy nhiên điều quan trọng nhất, thú vị nhất kích thích thị giác của trẻ của trẻ trong độ tuổi này là khuôn mặt của bạn.
- Đảm bảo những người thay thế bạn trong thời gian bạn vắng mặt thật sự yêu thương con bạn, thật sự làm bạn yên tâm và thật sự có kỹ năng chăm sóc trẻ trong độ tuổi này.
2. Từ 3- 6 tháng tuổi:
Từ 3 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nhận ra gương mặt người quen và đang bắt đầu nhận biết người lạ; biết phân biệt cảm xúc qua giọng nói. Trẻ cũng tiếp tục khám phá thông qua thị giác để tìm hiểu môi trường xung quanh đồng thời đang bắt đầu dùng ngôn ngữ nói để học hỏi, có thể tìm ra một phần đồ vật được cất dấu, cố gắng lấy những vật ngoài tầm với, khám phá bằng tay và miệng.
Cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách:
- Cung cấp môi trường an toàn, chú ý đến nhịp điệu và tính khí của con, học cách nhận biết những tín hiệu phát ra từ con để đáp ứng những cảm xúc vui buồn và hỗ trợ khi con gặp khó khăn nhưng không nuông chiều.
- Kích thích trẻ bò, trườn, nhoài theo đồ chơi yêu thích.
- Đồ chơi nhiều màu sắc kích thích thị giác, đồ chơi bằng vải mềm nhưng có phát ra âm thanh, đồ chơi có tay nắm.
- Thu hút con khi trò chuyện bằng những điệu bộ cử chỉ mới lạ nhưng không làm trẻ sợ, có thể tạo sự yên tâm cho trẻ bằng cách lập lại, bắt chước những âm của trẻ.
- Hãy sử dụng chỉ một ngoại ngữ tại nhà, nếu không quá khó khăn thì tốt nhất vẫn nên khởi đầu bằng tiếng mẹ đẻ.
3. Từ 6 tháng đến 1 tuổi:
Đây là giai đoạn trẻ chập chững tập đi, bập bẹ nói, biết cầm nắm bằng 2 ngón tay, biết khám phá đồ chơi bằng nhiều cách (lắc, đập, ném, thả xuống), dễ dàng tìm ra vật cất dấu. lo lắng khi xa mẹ, không theo người lạ, và đặc biệt là trẻ đã biết bắt chước người lớn.
Trong độ tuổi này, cần phải kích thích trẻ những đồ chơi đòi hỏi sự khéo léo của các ngón tay, sử dụng 2 ngón tay như quay số điện thoại, nhấn nút nhạc chuông…Bên cạnh đó, những đồ chơi cho trẻ phải là những món đồ chơi an toàn như: các loại đồ chơi kéo – đẩy, ôtô, xe tải bằng nhựa dẻo để chuyên chở, không mép nhọn, không thể tháo rời từng bộ phận. Cần cho trẻ làm quen và tiếp xúc với bên ngoài thông qua việc: giới thiệu bé với con bạn bè của bạn, tạo điều kiện để trẻ tập dần với bạn mới, với nhóm bạn mới cùng độ tuổi.
4. Từ 2 -3 tuổi:
Đây là giai đoạn trẻ phát triển mạnh. Trẻ đã có thể tự mình làm một số việc mà không cần có sự giúp đỡ của người lớn, biết chơi giả bộ, tìm được vật cất dấu dưới 2 hay 3 nắp, biết lật từng trang sách, xếp đồ chơi theo hình dạng và màu sắc, nhận biết và xác định hầu hết các đồ vật thông thường, có thể thay phiên trong trò chơi điện tử, có thể xây tháp 6 khối. Có thể nói tên – tuổi – phái và hiểu khái niệm “của tôi” và “của người khác”.
Vì đây là giai đoạn quan trọng nên cha mẹ cần phải đặc biệt chú ý trong việc kích thích cũng như bảo vệ trẻ tránh khỏi những tai nạn bất ngờ xảy ra trong quá trình trẻ vui chơi, khám phá. Hãy khuyến khích trẻ chơi sáng tạo, xây dựng và vẽ, lắng nghe và trả lời các câu hỏi của con. Tập cho trẻ cách sử dụng những từ để mô tả cảm xúc và bộc lộ tình cảm như hạnh phúc, vui mừng, giận dữ, sợ hãi.
Song song, hãy giới hạn thời gian xem tivi, tránh những phim hoạt hình bạo lực, cùng xem và thảo luận với trẻ nếu có điều kiện, đừng sử dụng tivi như một phương tiện giữ trẻ.
Độ tuổi này đã rất hiểu ý nghĩa từ “không”, vì vậy cần phải thống nhất trong gia đình những kỷ luật thích hợp nếu bé phạm lỗi, khen thưởng kịp thời nếu bé có tiến bộ.
5. Từ 3 -6 tuổi:
Với độ tuổi này, trẻ rất thích tự thực hiện mọi việc, thích mọi người và thích làm cho người khác thích mình. Trẻ bắt đầu học luân phiên và học chia sẻ, biết kết bạn, nhận biết tình cảm, biểu lộ tình cảm với cha mẹ, thích được ôm hôn, thay đổi yêu – ghét trong vòng một phút.
Trẻ cũng rất thích khám phá chung quanh, thích tháo rời mọi vật,vẽ, nắn thành thạo, tự mặc – cởi áo và chơi những trò chơi chưa khác nhau giữa bé trai và bé gái (búp bê, xe tải).
Với các bé trong độ tuổi này, việc cần thiết là: khuyến khích trẻ cùng tham gia tự phục vụ và phục vụ trong bữa ăn, thường xuyên nhờ trẻ tham gia việc nhà: lau bàn, tưới cây, chăm sóc thú vật nuôi… Không quan trọng kết quả nhưng khen thưởng ngay khi có kết quả.
Bác sĩ Thái Thanh Thủy
Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2