Hỏi: Hằng ngày cháu đi mẫu giáo, tối về nhà thì chỉ dán mắt vào tivi, hay chơi trò chơi vận động với ba. Cháu rất ngại khi đến những nơi đông người và rất ít nói chuyện.
Vợ tôi đang tu nghiệp 3 năm ở nước ngoài. Việc chăm sóc và nuôi dạy con trai (3 tuổi) hiện do tôi và mẹ tôi đảm nhận. Tôi nên làm gì nhằm giúp cháu hoạt bát và lanh lợi hơn? Hơn nữa, ở tuổi cháu, dinh dưỡng như thế nào là tốt nhất?
Trả lời: Ở giai đoạn 3- 4 tuổi, thường thì các bé đã có nhận biết được các màu sắc và các nhóm đồ vật khác nhau, suy nghĩ hợp logic hơn, bé có thể nhận ra một số chữ cái, có thể đếm từ 1 đến 10. Ngoài ra, về mặt ngôn ngữ, giao tiếp, bé có thể tham gia vào những cuộc trò chuyện kéo dài hơn, đã biết cách sử dụng vốn từ phong phú của mình, bắt đầu biết quan tâm đến những bé khác và cũng bắt đầu học được cách chia sẻ, san sẻ với mọi người.
Ông bà ta có câu “trẻ lên 3 cả nhà học nói”. Vì vậy, thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với bé, đọc sách hay kể chuyện cho bé nghe sẽ rất tốt cho việc phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển trí thông minh ngôn ngữ (Verbal IQ) cho trẻ, tạo nền tảng cho quá trình học hỏi cũng như giúp trẻ phát huy khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội về sau.
Trong giai đoạn độ tuổi này, để tăng khả năng tư duy và giao tiếp của bé, bạn cho trẻ làm quen với các trò chơi như xếp hình, những trò chơi đội nhóm. Bạn dành thời gian để nói chuyện và lắng nghe trẻ, trao đổi với trẻ hàng ngày. Dựa theo những tình cảm và ý nghĩ thể hiện qua nét mặt, ngôn ngữ, điệu bộ của trẻ bạn có thể giúp trẻ bày tỏ những gì muốn nói.
Bạn hãy để trẻ nói, giải thích những sự việc xảy ra trước khi bạn đưa ra ý kiến, điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Với các bé ở độ tuổi này, bạn có thể bắt đầu cho trẻ học nhạc, bởi việc thường xuyên luyện tập với các nhạc cụ có bàn phím như đàn organ, piano… sẽ giúp ích cho việc phát triển trí não ở trẻ.
Ngoài những tác động tích cực từ việc vui chơi, âm nhạc, ngôn ngữ thì dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Sự phát triển của não trẻ khác nhau qua các thời điểm nhất định. Mỗi thời điểm đó đi qua, các quá trình này không thể bắt đầu lại. Bạn nên chú ý bổ sung cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng các dưỡng chất và đủ hàm lượng. Chú ý đến các dưỡng chất hỗ trợ phát triển trí não như DHA, ARA, Cholin…
Chúc bạn thành công.
Bác sĩ Thái Thanh Thủy
Trưởng Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2