Vùng cao Lào Cai có nhiều dân tộc cùng chung sống với nhiều nét đặc trưng riêng. Cũng như trang phục, mũ đội đầu của trẻ em được đồng bào đặc biệt quan tâm, bởi ngoài việc đội đầu bảo vệ sức khỏe mũ còn là vật trang trí, chưng diện cho trẻ em.
Mũ trẻ em dân tộc Hà Nhì được khâu và trang trí rất công phu. Mũ thiết kế theo kiểu hình bồ đài, được ghép từ nhiều mảnh vải nhỏ, chiếc mũ nổi bật bởi màu sắc sặc sỡ nhờ những miếng bạc trắng hình tròn được khảm hoa văn hình ngôi sao, tam giác, sóng lượn. Xen kẽ các miếng bạc trắng là chuỗi hạt cườm đính các tua len có nhiều màu sắc khác nhau. Trên đỉnh chóp đính chùm quả bông bằng len đỏ, xanh hoặc chùm quả lắc. Khi đội mũ, các miếng bạc, chuỗi hạt cườm, chùm quả bông đung đưa rất đẹp. Người Hà Nhì thường đội mũ cho trẻ khi tiết trời se lạnh hay khi đi chơi.
Còn mũ của trẻ em dân tộc Dao thiết kế theo hình chóp cụt, được khâu chắp bằng nhiều miếng vải thổ cẩm màu sắc sặc sỡ với đường nét hoa văn hình cây thông, quả trám, sóng nước. Xen kẽ các hình hoa văn được điểm thêm những hình ngôi sao bằng bạc. Trên đỉnh chóp cụt cũng đính chùm bông bằng len đỏ, xen lẫn với hạt cườm nhiều màu sắc sặc sỡ. Khi đội mũ, đứa trẻ như đội bông hoa. Lên 9 – 10 tuổi, trẻ em nam đội khăn piêu quấn quanh đầu như người lớn, trẻ em gái đội khăn vuông có tua len đỏ 3 tầng.
Ngay từ khi lọt lòng mẹ, em bé người Mông được đội loại mũ vải chất liệu sợi lanh mềm tự dệt, được ghép lại từ nhiều mảnh vải nhỏ màu sắc khác nhau. Quanh mũ được đính những đồng xu bằng bạc, như những cánh hoa làm nổi bật chiếc mũ. Trên đỉnh mũ có đính túm tua vải hay bông nhiều màu, trông vừa đẹp, vừa ngộ nghĩnh, phù hợp tâm lý trẻ nhỏ.