Những trò chơi sáng tạo thật ra không cần nhiều cơ sở vật chất hay đầu tư lớn. Trẻ con biểu hiện những điều chúng muốn ngay trong không gian vui chơi và có khi chỉ cần một niềm vui rất đơn giản với bạn bè.
Sân chơi cát duy nhất ở TP.HCM được đánh giá đạt chuẩn
Trong nghiên cứu xã hội học, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ thiếu nhi là một phần rất quan trọng. Nhưng qua khảo sát có thể thấy môi trường vui chơi cho thiếu nhi chưa được chú ý. Trong các công viên của TP.HCM chỉ có những phần chức năng dành cho trẻ, chưa có không gian riêng đúng nghĩa cho các em.
Ở Úc chẳng hạn, người ta thiết kế hẳn những khu sinh thái dành riêng cho trẻ em. Ở đó trẻ có thể trồng và chăm bón cây cỏ, tưới nước, trí tưởng tượng và óc sáng tạo được kích thích vì các em có tương tác, có những trải nghiệm cá nhân khi gần gũi với thiên nhiên. Những đô thị lớn như TP.HCM thiếu điều này. Thiết bị ở các khu vui chơi hiện có rất khô cứng và đơn điệu, không có gì sáng tạo, quanh quẩn chỉ có ván trượt, cầu trượt hay đu quay…
Chỉ có một khu vui chơi trẻ em ở công viên Tao Đàn là đáp ứng tiêu chí kích thích sáng tạo khi để trẻ chơi trong sân cát. Trẻ em thích cát. Nhưng khoảng hai năm gần đây sân chơi này đã xuống cấp do lượng cát hao dần mà không được bổ sung, làm sạch, rác rưởi cũng không được dọn kỹ. Ngay cả với khu vực mà ta thấy là khô cứng và đơn điệu ấy, không phải em nào cũng có thể đến chơi. Thu nhập trung bình của nhiều gia đình còn ở mức thấp, không phải ai cũng thường xuyên dắt con đi chơi công viên, bỏ tiền cho trẻ chơi thú nhún, cầu trượt, ôtô điện thỏa thích được.
Với trẻ, môi trường chơi là môi trường xã hội hóa. Hai yếu tố quyết định sự vui chơi của trẻ là đồ chơi và bạn chơi. Với đồ chơi, môi trường chơi phù hợp, trong tương tác với các trẻ khác, trẻ sẽ học được nhiều bài học mà ta không cần phải dạy chúng bằng lời, như bài học về bảo vệ thiên nhiên. Ở công viên Tao Đàn, phụ huynh rất hài lòng vì xung quanh chỗ chơi có ghế đá để họ ngồi và nhìn con chơi, kết bạn trong khi chơi, thậm chí trò chuyện chia sẻ với các phụ huynh khác. Nhu cầu kết nối ấy rất lớn và đó phải là chức năng tiềm ẩn của một sân chơi cho thiếu nhi. Nhiều gia đình ở Thủ Đức có không gian sống rộng rãi nhưng vẫn đưa trẻ lên công viên Tao Đàn chơi chỉ vì trẻ muốn có bạn.
Những mô hình nhà thiếu nhi với các lớp học hát, múa… có thu phí mở ra trong mùa hè thật ra không sai và chắc chắn tốt hơn một số nơi vui chơi khác. Nhưng phải tự hỏi nó có đáp ứng tất cả trẻ em hay không, mọi trẻ em đều có quyền và dễ dàng tiếp cận nó hay không. Nếu quan sát kỹ ở nhà thiếu nhi thì có thể thấy ba mẹ của trẻ cũng phải ở một tầng lớp thu nhập khá mới có thể cho con theo học các môn năng khiếu. Đó là điều cần phải suy nghĩ.
Cũng có mô hình cho trẻ đi sinh hoạt tập thể, cắm trại, trải nghiệm… nhưng chi phí của một chương trình như tôi từng khảo sát lên tới 7 triệu đồng cho 10 ngày vui chơi. Đâu phải ai cũng có tiền chi trả đến mức ấy cho con. Cần có nhiều mô hình vui chơi cho trẻ, nhưng quan trọng hơn là mọi trẻ đều có thể tìm được một sân chơi tốt ngay cả khi ba mẹ chúng không giàu.
Có không ít phụ huynh muốn con mình học nữa, học mãi mà quên rằng ngay cả việc vui chơi của trẻ cũng đã là một cách học. Đầu óc trẻ có nhu cầu thư giãn nhiều hơn người lớn. Trong giới hạn trí não, trẻ học nhiều trong môi trường sống của chúng chứ không phải môi trường học đường. Trong lúc vui chơi, trẻ khám phá nhiều hơn lúc ngồi trong lớp học. Chính ở nông thôn, trẻ có được cách khám phá này. Ở thành phố, nhiều trẻ chỉ biết di chuyển từ nhà đến trường, từ trường đến lớp năng khiếu, y như chuyển từ cái hộp này sang cái hộp khác. Nếu trẻ chỉ học mà không có không gian vui chơi, cuộc sống của các em rất dễ mất cân bằng.
Nói về một sân chơi hoàn toàn được thiết kế cho trẻ em, có thể nghĩ đến việc tổ chức những buổi thảo luận nhóm cho trẻ, cho trẻ cùng độ tuổi đi chơi chung với nhau. Hãy để trẻ vẽ về nơi vui chơi chúng muốn, tự thiết kế nơi dành cho chúng chơi.
Ở một số trường đại học phương Tây, sinh viên được yêu cầu dắt các nhóm trẻ đi chơi, chụp ảnh những thứ chúng muốn, vẽ về thứ chúng cần. Trẻ biểu hiện mọi điều chúng muốn trong không gian vui chơi. Quan sát trẻ trong trò chơi đắp mô hình cát chẳng hạn, đó không chỉ là trò chơi rất rẻ tiền mà với cát trẻ có thể tạo ra những thứ thật sự của riêng chúng nên hầu hết trẻ em đều thích. Trò chơi sáng tạo đâu cần nhiều cơ sở vật chất. Chưa kể nếu tạo được những không gian tốt để chơi, vận động, học hỏi, trẻ sẽ bớt bệnh tật. Nhờ vậy các hệ thống phúc lợi xã hội khác như bệnh viện nhi đồng chẳng hạn sẽ không phải chịu quá tải.