Mọi phụ nữ đều lo lắng đến vóc dáng và làn da của họ khi có ý định mang bầu. Vậy đâu là lý do khiến họ phải bận tâm nhiều đến vậy và giải pháp cho những vấn đề này là gì?
Chuyện gì sẽ xảy ra với tóc?
TS Apoorva Shah, người tiên phong nghiên cứu về tóc ở Ấn Độ giải thích: “Trong suốt thời kì mang thai, lượng estrogen tăng làm cho tóc trở nên tốt hơn, giảm lượng tóc rụng và mái tóc dày hơn. Hàm lượng estrogen cao hơn làm kéo dài giai đoạn tăng trưởng, đôi khi hàm lượng này còn lên tới 95% giúp tóc chắc khỏe hơn. Sau thời kỳ mang thai, hàm lượng estrogen giảm xuống đáng kể và người phụ nữ sẽ rất nhạy cảm, do lượng estrogen giảm đột ngột dẫn đến tóc cũng giảm độ dày, đây còn được gọi là hiện tượng hư hại tóc sau sinh”.
TS Shah gợi ý một số điều nên và không nên đối với tóc khỏe ngay cả sau khi mang thai:
- Ăn theo chế độ ăn kiêng đầy đủ rau xanh và hoa quả khô.
- Tránh tất cả những biện pháp điều trị hóa học liên quan đến tóc. Thay vào đó, bôi dầu vào tóc ít nhất 3 lần/tuần và gội đầu hàng ngày bằng dầu gội làm sạch da đầu.
- Tránh các chất hóa học như chất tẩy hay thuốc làm rụng lông, chúng có thể ngấm vào máu.
- Trong khi không có bằng chứng nào cho thấy rằng nhuộm tóc trong quá trình mang thai sẽ làm hại thai nhi, tốt nhất là nên tránh nhuộm tóc ít nhất là trong 12 tuần đầu tiên. Bạn có thể sử dụng kiểu nghệ thuật Mehendi để thay thế.
- Sử dụng một chiếc lược thưa khi tóc còn ướt bởi vì khi đó tóc dễ bị tổn hại.
- Tránh tóc tiếp xúc với môi trường quá nóng (thường thấy trong các kỹ thuật tạo kiểu tóc).
- Đừng kéo căng tóc trong các kỹ thuật chăm sóc tóc hay tết tóc quá chặt
Chuyện gì xảy ra với da?
Thêm một lần nữa, hormone lại là nguyên nhân khiến làn da bạn trở nên xấu đi. TS Apratin Goel, chuyên gia da liễu, nhà thành lập kiêm Giám đốc Bệnh viện Cutis, Mumbai, Ấn Độ, đã liệt kê ra một vài vấn đề về da trong quá trình mang thai và các giải pháp.
Nhiễm sắc tố da: Thường vào cuối giai đoạn mang thai thứ hai hoặc đầu giai đoạn thứ ba, bạn có thể chú ý thấy màu sắc da ở phần cằm, mũi và trán hơi nâu nâu. Chính vì lượng hormone tăng đã gây ra chứng nhiễm sắc tố da hay chứng đen da. Bạn có thể giảm đen da bằng cách sử dụng kem chống nắng.
Mụn nhọt hoặc mụn trứng cá: Tình trạng nổi mụn là khá phổ biến ở phụ nữ trong 3 tháng mang thai đầu tiên. Dùng sữa rửa mặt có chứa axit salicylic và kem bôi da có chứa Benzoyl peroxide (2%) vào buổi tối sẽ giúp giảm mụn trứng cá. Nếu mụn trứng cá dày đặc, hãy nhờ chuyên gia da liễu tư vấn. Tránh dùng các loại kem đắp mặt vào thời điểm này vì nó sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Da khô và nhiều vết rạn: Vì bụng phát triển khiến da căng, làm đứt các sợi đàn hồi của da dẫn đến các vết rạn. Vậy hãy sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc dầu olive, chúng sẽ hỗ trợ đáng kể. Mát xa một lần/tuần bằng dầu olive ấm sẽ có tác dụng.
Giãn tĩnh mạch: Do phụ nữ mang thai tăng cân rất nhanh, điều này có thể làm giãn tĩnh mạch ở chân. Vì thế nên tập các bài tập nhẹ nhàng, không nên khoanh chân, tăng cường bổ sung vitamin C hoặc sử dụng bít tất phù hợp trước khi ra khỏi giường mỗi sáng. Chứng giãn tĩnh mạch sẽ mất sau khi sinh.
Những điều nên và không nên:
- Hãy sử dụng các loại dầu dưỡng và giữ ẩm cho cơ thể. Tẩy da chết toàn thân một lần một tuần và dùng sữa rửa mặt hoặc xà phòng tùy thuộc vào loại da của bạn.
- Chọn lựa quần áo thoải mái và phù hợp để tránh bị phát ban.
- Hãy thử dùng một loại đắp mặt phù hợp nhất với da vì phương pháp mát xa này có thể làm da mặt trẻ hơn.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hãy sử dụng kem chống nắng hiệu quả. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chất lọc tia UV vừa phải để ngăn ngừa sự nhiễm sắc tố trên da.
- Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi và rau xanh.
- Đừng lưỡng lự đến gặp người tư vấn chăm sóc sức khỏe ngay cả khi có những thay đổi nhỏ trên da.
- Bạn cần chọn những sản phẩm chăm sóc da phù hợp với điều kiện da của mình. Một số sản phẩm có thể không tốt cho bạn trong thời kì mang thai.
Hãy làm theo những bí quyết trên và đảm bảo bạn sẽ trở thành một bà mẹ tuyệt đẹp!