Hễ nhìn thấy con búp bê nào màu đỏ là bé Mi khóc thét, co rúm người lại, thậm chí em còn nôn ói, và ngất ngay tại chỗ. Thường ngày, bé cũng tỏ ra nhút nhát nhưng lại dễ nổi nóng.
Mi là một trong rất nhiều trẻ phải trị liệu tâm lý ở Phòng khám về rối nhiễm tâm trí Tu Na (phố Vọng, Hà Nội) vì trạng thái sợ hãi thái quá và không kiểm soát được cảm xúc bản thân.
Trong quá trình trị liệu cho Mi, các chuyên gia phát hiện, thời gian trước, mỗi lần lười ăn, Mi thường bị người giúp việc lôi một con búp bê màu đỏ ra và dọa “Ma đây, không ăn là ma bắt đấy” khiến bé hoảng loạn.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tu Na cho biết, trẻ nhỏ luôn có nhu cầu được an toàn. Trẻ lớn lên về thể chất, đồng thời với quá trình phát triển về tâm lý tương đồng. Khi có cảm giác thiếu an toàn, cũng như người lớn, trẻ sẽ lo lắng, sợ hãi. Sẽ không có vấn đề gì nếu sau một thời gian và được trấn tĩnh, trẻ sỡ trở lại trạng thái bình thường, nhưng nếu nỗi sợ ấy trở thành nỗi ám ảnh và kéo dài thì bố mẹ cần phải chú ý.
Khi trẻ sợ hãi, người lớn cần vỗ về và trò chuyện với trẻ thật nhiều, tạo cho bé cảm giác an toàn, thân thiện. |
Bà nhớ mãi một trường hợp đặc biệt mình từng trị liệu từ cách đây hơn chục năm.
Đó là một cô bé 6 tuổi ở Hà Nam, rất xinh xắn, thông minh. Bố mẹ em tìm đến bác sĩ trị liệu trong tâm trạng bối rối, hoang mang vì cô con gái gần đây bỗng nhiên luôn rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, thu mình lại, chẳng tập trung được vào việc học dù mới bước vào năm học mới. Anh chị cũng cho biết, hiện tượng này bắt đầu từ khi họ chuyển về ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi.
Khi gần gũi và hỏi chuyện em bé, các chuyên gia mới biết, em choáng ngợp trước không gian quá rộng lớn của ngôi nhà mới, và luôn cảm giác có ma quỷ rình rập đâu đây ở các góc nhà. Bởi thế, mỗi lần bước chân vào nhà là em co rúm lại, bắt bố hay mẹ phải bế, nhất định không chịu đứng xuống hay tung tăng vui chơi trong nhà như trước.
Một quá trình trị liệu cho em được thực hiện, đồng thời, các bác sĩ hướng dẫn bố mẹ em giúp con mình bằng cách bố trí lại ngôi nhà, ngăn làm sao để không gian ở hẹp lại, tạo cảm giác đầm ấm, an toàn cho con. Cứ thế, mỗi khi bé quen dần, bố mẹ em lại mở rộng dần không gian ra, không quên kể cho con nghe những câu chuyện vui tươi và cùng bé trang trí cho ngôi nhà những hình vẽ ngộ nghĩnh và màu sắc tươi sáng.
“Bây giờ cô bé ấy đã vào đại học rồi, và vẫn không quên câu chuyện về nỗi hoảng sợ của mình năm xưa”, tiến sĩ Bưởi kể.
Độc giả Thu Đào gửi thư đến Vnexpress bày tỏ lo lắng không biết làm sao để cô con gái 4 tuổi của mình đỡ hoảng sợ mỗi lần trời mưa, gió.
Chị Đào cho biết, mấy tuần trước, đưa con gái đi chơi về thì gặp cơn giông và mưa lớn khiến hai mẹ con suýt bay xuống đường. Và kể từ đó, cứ mỗi lần thấy giói thổi mạnh là cô bé 4 tuổi lại hoảng sợ và nôn, dù chỉ là cơn gió nhẹ bé cũng bắt mẹ đóng hết tất cả các cửa lại và ôm chặt lấy mẹ.
“Dù tôi đã nói với cháu rằng, mình đang ở trong nhà, dù có gió, mưa thì cũng không sao nhưng con bé vẫn không bớt sợ”, chị Đào thổ lộ.
Bà Bưởi cho biết, trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Khi còn bé xíu, các em luôn được bao bọc, bảo vệ và thấy an toàn trong môi trường thân thuộc, giữa những người thân quen. Khi ra bên ngoài, đến một chỗ xa lạ, trẻ sợ hãi là điều bình thường. Và người lớn phải hiểu tâm lý này để giúp trẻ làm quen dần với môi trường mới, giúp trẻ cảm nhận thấy mọi thứ xung quanh mình đều rất thân thiện, an toàn.
“Tôi còn nhớ mãi một lần tới nhà một người bạn Hà Lan sống ở Việt Nam, nhận nuôi hai đứa trẻ người Việt. Tôi ngạc nhiên khi thấy trong nhà bạn có rất nhiều hộp cartoon được cắt, dán thành hình những ngôi nhà tí hon đặt ở giữa phòng. Biết ý tôi, người bạn giải thích: ‘Mình làm cái này để bọn trẻ chui ra chui vào, chúng rất thích vì đó vừa là một trò chơi thú vị vừa là một không gian an toàn của riêng chúng'”, bà Bưởi kể.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết, rất nhiều người lớn không hiểu tâm lý trẻ, thường dọa dẫm các em khiến trẻ càng sợ hãi và thiếu tự tin vào bản thân, luôn thấy môi trường xung quanh đầy những nguy cơ. Nhiều gia đình lấy hình ảnh chú công an, bác sĩ, hay con chuột, con gián… để dọa dẫm những khi trẻ không nghe lời.
Rất nhiều bé thường sợ bóng tối và đáng lẽ ra, phải giúp con thích nghi và vượt qua nỗi sợ hãi đó thì có những ông bố, bà mẹ lại dùng điều này như một hình phạt với con. Chuyện của bé Na (Vương Thừa Vũ, Hà Nội) là một điển hình.
Từ lúc nhỏ, mỗi lần con khóc, bố Na thường đưa bé ra khỏi nhà rồi bảo: “Không nín là cho ra ngoài kia tối om, để ông ba bị bắt”. Khi con lớn hơn một chút, mỗi lần con nghịch ngợm, ăn vạ, bố lại bắt ngồi vào phòng, tắt điện cho bé ở trong đó một mình, khi nào hoảng sợ quá, nài nỉ, xin lỗi bố mới cho ra. Càng lớn, bé Mi càng nhút nhát và sống co mình lại. Dù đã 7 tuổi nhưng bé vẫn không chịu vào toilet một mình, hay chẳng bao giờ dám ra ngoài trời tối. Ban đêm, em cũng không cho bố mẹ tắt đèn mỗi khi đi ngủ.
Một khảo sát nhỏ của Vnexpress.net vào năm 2008 cho thấy, trong gần 800 độc giả tham gia thì có tới hơn 80% cho biết, họ vẫn thường hù dọa trẻ, trong đó, cứ 10 người lớn thì có hơn 2 người khẳng định mức độ dọa dẫm các bé là thường xuyên.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi cho biết, để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi, đầu tiên, bố mẹ hãy lắng nghe để trẻ được bộc lộ tâm trạng lo lắng của mình. Các bậc phụ huynh có thể sử dụng “biện pháp hành vi” để giúp con thích nghi dần với môi trường và biết cách đối diện với nỗi sợ của chính mình.
Chẳng hạn, nếu bé sợ bóng tối, hãy thủ thỉ hỏi xem tại sao con sợ, rồi kể cho con nghe những câu chuyện để bé hiểu rằng, đó chỉ là quy luật về thời gian, như ban ngày có ánh sáng mặt trời, buổi tối mặt trời đi ngủ nên mọi vật sẽ chìm vào đêm tối. Để con thích nghi dần, ban đầu, mẹ có thể cùng con đi vào căn phòng tối (trong thời gian rất ngắn) rồi cho bé thấy, ở đó không có gì đáng sợ cả. Sau đó, dần dần tạo ra các tình huống như vô tình để trẻ làm quen với bóng tối, chẳng hạn “con qua lấy giùm mẹ cái điện thoại, mẹ đợi con ngay ở cửa nhé”…
“Bố mẹ cũng đừng quên dạy trẻ kỹ thuật thư giãn, để trẻ biết tự giải tỏa khi quá căng thẳng lo lắng, bằng cách hướng dẫn bé cách hít thở thật chậm và sâu”, các chuyên gia chia sẻ.
Theo các nhà tâm lý học lâm sàng, khi thấy những dấu hiệu hoảng sợ của trẻ kéo dài và bố mẹ đã làm nhiều cách cũng không giúp bé khắc phục được, hãy đưa con đến các phòng khám, trị liệu tâm lý để trẻ được các chuyên gia giúp đỡ. Bởi, điều này kéo dài có thể ảnh hưởng tới trẻ trong sinh hoạt hằng ngày, trong mối quan hệ với mọi người xung quanh và cả quá trình học tập của trẻ.