Đó là thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo về lồng ghép dinh dưỡng và bảo đảm an ninh lương thực hằng ngày cho bà mẹ, trẻ em tại Việt Nam, diễn ra hôm 14-7 tại Hà Nội.
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn đến 32% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, 19% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 1/3 số bà mẹ có thai đối mặt với tình trạng thiếu máu do dinh dưỡng không bảo đảm, 36 tỉnh có tỉ lệ cao về bà mẹ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Thực tế mỗi năm nước ta sản xuất được 50 triệu tấn lương thực, song nhiều người, nhiều gia đình vẫn phải chịu cảnh thiếu đói với tỉ lệ người nghèo chiếm đến 14,8%.
Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Thủy, thứ trưởng Bộ Y tế, chương trình lồng ghép hai mục tiêu đảm bảo sự an toàn cho thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn đầu tiên này sẽ được triển khai trong ba năm liên tiếp (từ 2010-2012), đặc biệt tập trung đầu tư cho các tỉnh nghèo, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao như Điện Biên, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum, Ninh Thuận và An Giang.
Bộ Y tế sẽ thiết lập một hệ thống theo dõi bền vững làm giảm tác động của những biến động, khủng hoảng lương thực có thể xảy ra ở các địa phương nghèo này ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em.
Tất cả phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ dưới 5 tuổi phải được bổ sung vi chất đầy đủ như iốt, sắt, vitamin A.