Để bé hiểu về sự nảy mầm, bạn có thể đặt vài hạt đỗ xanh vào một cái hộp nhỏ, có chứa một miếng bông ẩm. Sau đó, bạn cùng bé theo dõi hạt giống nhú lên như thế nào.
Học về tính chất đồ vật
Gom đồ vật với những chất liệu khác nhau: khối hình gỗ, bát kim loại, thìa nhựa, quả táo (quả cam), giấy, bóng cao su, bút chì, cục tẩy… Đặt đồ vật lên một cái bát nhỏ nổi trên mặt nước. Tiếp đến, bạn cùng bé đoán xem liệu nó sẽ chìm nghỉm hay nổi bềnh bồng.
Nam châm vui vẻ
Lấy một thanh nam châm và những chất liệu khác nhau như cốc thủy tinh, thìa nhựa, mẩu dây điện, ghim giấy, cái đinh, mẩu nhôm, hòn sỏi… Hãy chơi cùng con và hỏi bé xem liệu đồ vật nào sẽ bị hút vào nam châm.
Hiểu về tĩnh điện
Bạn cần chuẩn bị một quả bóng được bơm căng. Hướng dẫn bé nhẹ nhàng chà xát lên bề mặt quả bóng với tóc và mẩu len. Bé sẽ thấy chúng bị dính vào bóng. Sau đó, bạn đổi sang đồ vật khác như tường nhà, tủ lạnh, màn… xem có thứ gì dính được vào bóng không.
Hình dạng của nước
Hãy thu thập những chiếc cốc (hoặc vật đựng) có hình thù khác nhau. Bạn đồ đầy nước vào đó và để bé kiểm tra xem lúc này, nước có hình dạng thế nào.
Pha trộn chất lỏng
Bạn cần chuẩn bị vài lọ thủy tinh có nắp; màu thực phẩm, dầu ăn, dấm, nước… và cốc để đo. Hãy trộn hai thứ chất lỏng vào nhau chẳng hạn như nước với màu thực phẩm, nước với dầu ăn… Đổ hỗn hợp vào lọ và đợi vài phút để xem điều gì sẽ xảy đến: Có phải chất nào cũng được hòa tan với nước? Có chất hòa tan được, có chất thì không. Một số chất nhẹ hơn (nặng hơn)….
Pha trộn màu sắc
Bạn cần có 3 loại màu thực phẩm là đỏ, xanh, vàng; một cốc sữa, một cái bát và bọt xà phòng. Đổ sữa vào bát rồi bạn thêm 3 giọt màu đỏ vào một góc bát. Lần lượt thêm 3 giọt màu xanh, màu vàng vào các góc bát khác nhau. Bạn không trộn (hay nghiêng bát); tiếp đến, thêm bọt xà phòng vào giữa bát.
Bé sẽ quan sát bọt xà phòng không hòa tan trong sữa; thay vào đó, xà phòng sẽ nổi và lan trên mặt sữa. Còn các màu sắc khi gặp nhau sẽ pha trộn và tạo nên một màu mới.
Hiểu về sự phát triển của con bướm
Đặt một con sâu bướm vào một cái hộp rỗng với vài cái lá. Bao phủ hộp bằng giấy (hoặc nilon), chọc một lỗ trên nắp để không khí lưu thông. Sau đó, bé sẽ quan sát xem con sâu bướm trở thành con nhộng và con bướm thế nào.
Theo Mẹ và bé