Các bố mẹ luôn than phiền: “Sao con hư thế, nhát thế, hay khóc thế…” mà không biết rằng lỗi ở đây chính là do cách người lớn nuôi dạy bé.
1. “Vô tư” bế bồng con
Có em bé, cả nhà ai cũng yêu. Đi về tới nhà, dù quần áo bụi bặm, tay chân bẩn thỉu, mồ hôi nhễ nhại hay miệng sặc mùi thuốc lá, các bố mẹ vô tư ôm ấp, bế bồng con yêu. Họ không biết rằng vô tình đã truyền bao nhiêu vi trùng cho con. Ngay cả người lớn, hàng xóm, bạn bè của bố mẹ, cứ thấy bé con ở đâu là hôn hít, nựng nịu. Tất cả những điều đó chỉ thể hiện tình cảm của người lớn dành cho bé con, nhưng chẳng tốt cho bé chút nào.
Bé càng nhỏ, sức đề kháng càng thấp, cần phải hạn chế tối đa sự tiếp xúc gần gũi với người lớn. Đó cũng là lý do nhiều bố mẹ hiện nay không cho con ngủ chung giường với mình. Các bác sỹ cũng khuyên rằng nên rửa tay thật sạch trước khi bế con, hoặc chỉ khi khỏe mạnh mới ôm hôn em bé. Đó cũng là cách phòng tránh các bệnh tật tốt nhất cho bé.
2. Cho con ăn cơm kèm với bụi
Từ xưa tới nay, một phương pháp cho con ăn rất Việt Nam được các bà, các mẹ truyền tai và áp dụng nhiều. Đó là xúc cho con ăn ở ngoài đường, ngoài ngõ, ngoài phố. Kể cả khi mẹ cho con ăn ở công viên, nơi có không khí trong lành và tránh xa tất cả bụi bặm của đường phố, bát cháo/cơm đó vẫn không tránh khỏi bụi.
Điều đó sẽ hình thành cho bé một thói quen xấu, cứ phải đi dong ngoài đường mới chịu ăn cơm. Mệt cả mẹ lẫn con mà thức ăn lại chẳng vệ sinh chút nào.
3. Dạy con đổ lỗi cho người khác từ khi còn bé
Mỗi khi con khóc, bố mẹ xót con, chạy lại dỗ dành: “Thôi cho bố/mẹ/ông/bà xin” mà chưa cần biết bé khóc vì lý do gì. Con bị vấp, ngã và òa lên khóc. Bố mẹ sẽ chạy đến, đánh vào vật đã làm con đau: “Cái bàn này hư quá. Làm em đau à. Đánh chừa nhé”. Bố mẹ vô tình đã dạy con cách đổ thừa, đổ lỗi cho người khác và kèm theo tật khóc nhè, dùng tiếng khóc để đòi hỏi mọi thứ.
Khuyến khích con nhận lỗi chứ không nên đổ cho người khác
Nếu chẳng may con có ngã, bố mẹ hãy nên khuyến khích con: “Không sao đâu. Con tự đứng dậy mẹ xem nào. Con mẹ giỏi lắm”. Nếu con có bị va vào đâu bị đau, hãy dạy con lần sau phải cẩn thận, đừng đổ lỗi cho đồ vật.
4. Luôn sẵn sàng làm hộ những việc con có thể tự làm
Không ít các bố mẹ vẫn sẵn sàng bón cơm, lấy nước, mặc quần áo, dọn dẹp sách vở đồ chơi cho con khi con đã học tới lớp 5, thậm chí ở cả những lớp lớn hơn. Có thể, bố mẹ coi đó là niềm hạnh phúc khi được chăm sóc con. Nhưng điều đó lại dạy con tính lười biếng, ỉ lại, không chịu “tự thân vận động”.
Để dạy con tính tự lập, bố mẹ không nên làm hộ những việc con có thể làm được. Có thể hướng dẫn, làm mẫu cho con, làm cùng với con một vài lần và sau đó, yêu cầu con phải tự làm mọi việc.
Các em bé ở nước ngoài, ngay từ khi 2 tuổi đã tự xúc cơm ăn, dọn đồ chơi. Khi đi chơi, các bé tự đeo ba lô, có chai nước và bánh đề phòng khi đói – khát có thể tự phục vụ mình. Cả gia đình đi du lịch, các bé được cha mẹ dạy cách lên danh sách các món đồ cần đem theo, tự sửa soạn hành lý và kéo vali bé đi đằng sau bố mẹ.
Theo aFamily