Ðề án “Sàng lọc trước và sau sinh” được Chi Cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Thừa Thiên – Huế triển khai từ năm 2007 đến nay đã và đang góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Ðề án đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn cộng đồng, trang cấp tài liệu, thiết bị… nhằm từng bước nâng cao nhận thức của bà mẹ mang thai trước và sau sinh, trên cơ sở đó để phát hiện, điều trị nhằm giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng, mắc các bệnh di truyền, bẩm sinh… Kể từ khi được triển khai dự án đến nay, đã tiến hành lấy được gần 2.300 mẫu máu gót chân của trẻ để sàng lọc. Qua đó, phát hiện một trường hợp suy giảm bẩm sinh; 24 trường hợp thiếu men G6PD, chiếm hơn 1% tổng số các trường hợp làm xét nghiệm.
Bên cạnh đó, đề án đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của bà mẹ mang thai ở vùng nông thôn, miền núi vốn còn nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội. Qua khảo sát ở Trung tâm y tế huyện Nam Ðông hơn 350 sản phụ cho thấy, tất cả các bà mẹ đều có ý thức khám thai ít nhất một lần; hơn 80% số bà mẹ biết khám thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Hơn 64% số bà mẹ khám thai ba tháng đầu và 60% số khám thai đúng ba thời kỳ. Về tiêm vắc-xin và chế độ dinh dưỡng, có 71% số bà mẹ biết mục đích tiêm và 90% tiêm đủ mũi; 90% uống viên sắt ít nhất 90 ngày trước sinh. Hơn 73% số bà mẹ biết ăn nhiều hơn, ăn thêm chất đạm, chất béo… Còn tại huyện A Lưới nơi có tới 80% số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thì ý thức của bà mẹ trước và sau sinh cũng đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ bà mẹ đến sinh tại trạm y tế của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi lần lượt là gần 59% và 69%. Tỷ lệ bà mẹ đi khám thai ở đồng bào dân tộc Pa Cô là 50% và Tà Ôi gần 76%…
Năm 2007, đề án mới chỉ được thực hiện tại 44 xã, phường, thị trấn, thành phố. Năm 2009, đề án tiếp tục được mở rộng thêm 39 địa phương và đến năm 2010 đã mở rộng ra 119/152 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.