Trước tiên, bạn có thể đi kiểm tra sức khỏe sinh sản tổng quát ở bệnh viện Phụ sản hoặc khoa sản. Bác sĩ sẽ biết chu kỳ kinh nguyệt của bạn dài bao lâu, có đều không, có dùng thuốc tránh thai không?… Tiếp theo, bạn có thể được kiểm tra những bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu, giang mai, mụn rộp và cả HIV.
Nếu chồng của bạn từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Nhiều bệnh ban đầu thì không có triệu chứng gì nhưng khi mang bầu, chúng mới khởi phát. Tốt nhất, nên động viên cả chồng bạn đi khám để đảm bảo hai vợ chồng khỏe mạnh.
Những vấn đề khác mà bạn có thể đi khám trước khi có kế hoạch mang thai, từ Babycenter:
Tiền sử mang thai
Hãy cho bác sĩ biết, nếu bạn có trục trặc ở lần mang thai trước đó như sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc những bất thường khác. Qua đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách giữ một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Chẳng hạn, tiền sử mang thai ngoài tử cung có thể ảnh hưởng đến lần mang thai này. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm sớm để đảm bảo điều này không lặp lại. Nếu trong gia đình bạn có tiền sử sinh con bị gai đôi cột sống thì bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng axit folic trước và trong thai kỳ để phòng tránh dị tật này.
Tiền sử dùng thuốc
Hãy nói cho bác sĩ biết bất kỳ loại thuốc nào bạn đã từng dùng để điều trị hen suyễn, tiểu đường hoặc cao huyết áp… Từ đó, bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh để việc dùng thuốc không ảnh hưởng tới thai kỳ. Một số bệnh vẫn phải dùng thuốc nhưng loại (hoặc liều) thuốc có thể được điều chỉnh lại trước và trong thai kỳ.
Hãy hỏi bác sĩ về các loại vitamin, thảo mộc hoặc các loại thuốc cần tránh cho bà bầu. Hỏi bác sĩ về việc dùng axit folic trước khi mang thai. Thông thường, phụ nữ có thể bắt đầu sử dụng 400 mcg axit folic một ngày (dùng riêng hoặc được đóng gói thành vitamin tổng hợp) ít nhất một tháng trước khi có ý định mang bầu. Axit folic giúp làm giảm dị tật ống thần kinh, xương sống chẻ đôi ở bé về sau. Nếu muốn bổ sung vitamin, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Những loại vitamin được dùng quá liều đều gây hại, như vitamin A có thể nguy hiểm cho bào thai.
Tiền sử tiêm văcxin
Hãy cho bác sĩ biết những loại văcxin bạn từng tiêm. Nếu bạn không nhớ là tiêm phòng Rubella chưa thì bạn có thể làm xét nghiệm và tiêm phòng.
Nếu bạn không chắc đã tiêm phòng thủy đậu chưa thì bạn có thể làm xét nghiệm và được tiêm văcxin trước khi mang bầu. Văcxin thủy đậu có 2 liều, mỗi liều tiêm cách nhau 4-8 tuần. Hai bệnh trên nếu không được tiêm phòng trước khi mang bầu có thể gây dị tật thai nhi hoặc các rắc rối khác, nếu mắc phải khi mang thai. Với mỗi loại văcxin, cần tiêm trước khi mang thai ít nhất 1-3 tháng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng cúm, quai bị hoặc những bệnh khác được khuyến cáo tiêm trước khi mang bầu.
Tiền sử cảm xúc
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, kém ăn hoặc dùng một loại thuốc nào đó về sức khỏe tinh thần.
Xét nghiệm nước tiểu
Bác sĩ kiểm tra mẫu nước tiểu để xem bạn có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không. Những triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu dễ nhận thấy là tiểu rắt, đau khi đi tiểu. Nếu bị bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng kháng sinh.
Qua xét nghiệm nước tiểu, còn kiểm tra được bệnh tiểu đường. Nếu mắc tiểu đường, bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ điều trị tiểu đường trước khi mang thai.
Xét nghiệm máu
Qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết được bạn cần bổ sung sắt không và bổ sung bao nhiêu trước khi mang bầu để tránh thiếu máu do thiếu sắt. Nếu bạn không chắc đã miễn dịch với rubella hoặc thủy đậu chưa thì xét nghiệm máu sẽ biết được điều này. Xét nghiệm máu còn giúp kiểm tra bệnh giang mai, viêm gan B hoặc HIV.
Nếu bạn có vật nuôi (nhất là mèo), cần đề phòng mắc phải chứng toxoplasmosis, không gây hại cho người lớn nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Xét nghiệm máu sẽ giúp kiểm tra chứng bệnh này.
Kiểm tra gene
Nếu gia đình bạn (hoặc gia đình chồng) có tiền sử dị tật (hoặc các bệnh về gene); bạn từng sảy thai liên tiếp; trên 35 tuổi… thì bạn cần đi kiểm tra gene trước khi mang thai. Điều này giúp tránh nguy cơ mắc bệnh về gene ở bé sau này.
Lưu ý: Bạn có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào về sức khỏe, dinh dưỡng hay lối sống để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.