Trên thị trường gần đây xuất hiện nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc mà trẻ em rất thích, như: kẹo mút phát sáng, kẹo xăm hình, bánh nhiều màu… Trong đó, loại kẹo mút phát sáng vừa bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi, tiêu hủy vì chứa chất gây ung thư, đột biến gien
Tan trường, một nhóm học sinh Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình – TPHCM) nhốn nháo đòi phụ huynh cho tiền mua kẹo “ma”. Anh Đặng Xuân Tùng, một phụ huynh học sinh, vừa lấy tiền cho con vừa phàn nàn: “Kẹo gì thấy ghê mà cứ đòi ăn”.
Mua bao nhiêu cũng có
Dạo một vòng quanh các tiệm tạp hóa, nhất là các tiệm cạnh những trường tiểu học, THCS, chúng tôi chứng kiến nhiều trẻ em, nhất là học sinh, hỏi mua kẹo mút phát sáng, kẹo “ma”, kẹo xăm hình…
Những loại kẹo này cũng được bán đầy rẫy tại các chợ ở TPHCM. Chỉ cần hỏi mua kẹo mút phát sáng, kẹo “ma”, người bán đã lôi ra cả đống cho chúng tôi tha hồ lựa chọn, muốn mua bao nhiêu cũng có. Thậm chí, có sạp phải mượn hàng kế bên để bán khi hết hàng. Tại chợ Bình Tây (Q.6), khi thấy chúng tôi chỉ mua mỗi thứ một bịch, người bán đề nghị: “Mấy thứ này con nít thích lắm, lại lời nhiều, cứ lấy kha khá về bán đi”.
Theo lời người bán ở các chợ, những loại kẹo, bánh này có xuất xứ từ Trung Quốc, giá khá rẻ. Cụ thể, loại kẹo mút phát sáng nhãn hiệu Fluorescence Lollipop có giá bán sỉ chỉ 20.000 đồng/hộp (20 que), bán lẻ trên thị trường là 2.000 đồng/que. Một loại kẹo độc hại khác là kẹo “ma” (hiện có thêm loại viên), giá bán sỉ 90.000 đồng/hộp (khoảng 200 viên).
Đây là loại kẹo khi ngậm vào miệng sẽ dính màu (tùy viên kẹo có màu gì sẽ hiện lên màu đó) lên lưỡi và khắp vòm miệng. Các em học sinh thích ăn loại kẹo này để thè lưỡi nhát “ma” nhau. Các tiểu thương cho biết loại kẹo có miếng dán hình các loại thú cũng được trẻ em rất ưa chuộng. Chúng tôi thử dán một miếng trên cánh tay, trông tựa hình xăm và rất khó cọ rửa sạch.
Ngoài ra, nhiều loại bánh, kẹo màu sắc lòe loẹt cũng được bày bán nhiều ở chợ với số lượng lớn, giá rẻ mạt.
Phải tránh xa
Theo TS Nguyễn Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường ĐH Bách khoa TPHCM, các loại kẹo nêu trên rất độc hại, không được ăn. Ông cho biết kẹo “ma” dùng loại thuốc nhuộm có màu sậm rất độc hại. Các loại bánh kẹo có màu sắc sặc sỡ cũng phải tránh xa do sử dụng các loại màu dùng trong công nghiệp có chứa kim loại nặng rất độc hại. Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia cho thấy trong kẹo mút phát sáng có chất poly aromatic hydrocacbon gây ung thư, đột biến gien…
Ngày 26-3, TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), đã chỉ đạo tất cả các địa phương tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm kẹo mút phát sáng mà không cần phải tiến hành bất cứ một xét nghiệm nào. Tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP, cho biết cơ quan chức năng đang tổ chức khảo sát những mặt hàng kẹo trên để báo cáo tình hình lên sở.
Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP, cũng đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương, Sở GD-ĐT, Chi cục QLTT TP, Thanh tra Sở Y tế và UBND quận – huyện nhanh chóng kiểm tra việc kinh doanh kẹo mút phát sáng không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP, đặc biệt khu vực trường học. Riêng Sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh và học sinh không sử dụng loại sản phẩm này.
Theo Người Lao Động