Hỏi: Một số người cho rằng, nhiều trẻ em biếng ăn là do phải trải qua quãng thời gian ăn cháo quá dài, từ 1 tuổi đến 2-3 tuổi, theo bác sĩ, nhận định này có đúng không?
Trả lời:
Nhận định này rất hợp lý, bởi thức ăn phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ chưa đủ răng phải chọn thức ăn loãng, trẻ lớn đủ răng thì chỉ thích thức ăn cứng để nhai như người lớn. Nếu cho ăn cháo kéo dài, thường xuyên thì trẻ chán ăn, thậm chí có thể tạo ra tâm lý sợ thức ăn loãng.
Ngoài ra, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn cũng như một vài giải pháp khắc phục tình trạng này nhé:
Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
Trẻ có thể bị biếng ăn do một số nguyên nhân như:
Gặp vấn đề về sức khỏe: Trẻ mắc một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh đường ruột, vi khuẩn, virus, vấn đề về răng miệng cũng khiến trẻ trở nên biếng ăn.
Trẻ biếng ăn sinh lý do sự thay đổi thể chất như mọc răng, tập lẫy, tập đi. Đây là một dạng biếng ăn rất phổ biến và thường chỉ kéo dài trong khoảng 1-2 tuần.
Môi trường ăn uống không thuận lợi: Không gian ăn uống không thoải mái, trẻ luôn cảm thấy căng thẳng, áp lực, hoặc mất quyền tự chủ trong việc chọn thức ăn cũng là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ.
Thay đổi trong cuộc sống: Các thay đổi lớn trong cuộc sống của trẻ như chuyển nhà, chuyển trường, gia đình có thêm thành viên mới, sự thay đổi trong lịch trình hàng ngày có thể làm trẻ biếng ăn do sự không ổn định và căng thẳng tâm lý.
Trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống: Một số trẻ có thể gặp phải chứng rối loạn ăn uống như biếng ăn, lo âu ăn hoặc trở nên chán ăn, gây ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng.
Thức ăn không đa dạng: Trẻ biếng ăn do món ăn không được chế biến hấp dẫn hoặc lặp lại một vài món ăn hay nguyên liệu nấu ăn với tần suất quá dày. Điều này khiến trẻ chán ngán và không còn hứng thú với thức ăn.
Cách khắc phục biếng ăn ở trẻ
Tùy theo nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn mà các mẹ có những cách khắc phục phù hợp. Dưới đây là một số cách tham khảo:
– Nếu nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ là do bệnh lý thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cùng với đó chỉ nên cho trẻ ăn những món nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa, không cay nóng và và uống nhiều nước để giải độc, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
– Nếu trẻ biếng ăn sinh lý do sự thay đổi thể chất, nên cho trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ, không ép buộc hay dụ dỗ quá nhiều. Ngoài ra, nên cho trẻ uống sữa hoặc các loại nước ép để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.
– Nếu nguyên nhân do tâm lý, thì cần tạo cho trẻ một bầu không khí vui vẻ, thoải mái khi ăn. Ngoài ra, mẹ nên khen ngợi và khuyến khích trẻ khi trẻ ăn tốt hoặc thử những món mới.
– Nếu trẻ biếng ăn do món ăn không được chế biến hấp dẫn hoặc lặp lại một vài món ăn hay nguyên liệu nấu ăn với tần suất quá dày, nên đa dạng hóa các loại thực phẩm và cách chế biến. Ngoài ra, nên trang trí thức ăn một cách bắt mắt và hấp dẫn để kích thích vị giác của trẻ.
– Cấn thiết lập lịch trình ăn uống đều đặn hàng ngày cho trẻ. Điều này giúp cơ thể trẻ hiểu rằng đã đến thời gian ăn và giúp tạo ra thói quen ăn đều đặn.
– Nên tìm hiểu những món ăn mà trẻ thích và cố gắng tích hợp chúng vào thực đơn hàng ngày. Điều này giúp tạo sự hứng thú và khích lệ trẻ ăn nhiều hơn.
Kết luận
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, ăn một loại thức ăn trong một thời gian quá dài đều sẽ gây nên sự nhàm chán. Việc cho trẻ ăn cháo kéo dài gây nên tình trạng biếng ăn là điều dễ hiểu. Để khắc phục tình trạng này, các bậc phụ huynh cần thay đổi các món ăn thường xuyên, cho trẻ tiếp xúc với đa dạng loại thực phẩm, từ lỏng đến mềm rồi đến rắn tùy vào từng độ tuổi. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp các mẹ có thêm kiến thức trong hành trình nuôi con khỏe mạnh.