Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7, tôi có dịp cùng đoàn cán bộ lãnh đạo của Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình đi thăm và tặng quà cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam đioxin là con các thương, bệnh binh ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tại các điểm thăm tặng quà, tôi được chứng kiến cảnh ứa trào nước mắt của cả người nhận và người trao quà khiến tôi vô cùng xúc động.
Xe rời Hà Nội từ 5 giờ sáng. Để xe được khởi hành sớm thế này, tôi được biết, cả ngày và đêm hôm trước Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hoà và Phó Giám đốc Lưu Bích Ngọc cùng với cán bộ, nhân viên trong Trung tâm đã tất bật chuẩn bị. Chị Hoà đã nói với chúng tôi: “Ta chịu khó đi sớm vì trời nắng, nóng thế này mà xuống muộn thì các cháu sẽ mong, thương lắm!”. Xe đến Vũ Thư, một vùng đồng chiêm trũng của Thái Bình, chúng tôi là những người đi lần đầu, ai cũng ngạc nhiên vì từ đồng chí lái xe của Trung tâm đến các đồng chí lãnh đạo ở đây đều thuộc đường vào từng xã, từng thôn và cả một số gia đình các cháu bị bệnh do nhiễm chất độc da cam.
Thì ra đã hơn 2 năm nay, từ ngày thành lập Trung tâm, Giám đốc Hoà vừa lo ổn định tổ chức, tìm nguồn tài trợ vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam (Hội NNCĐDC) nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc và Miềm Trung như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… chọn lựa và thẩm định kỹ lưỡng các đối tượng để chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo trợ, hỗ trợ. Mặc dù đã hơn 2 năm chính thức ra mắt và đi vào hoạt động, nhưng Trung tâm vẫn chưa có trụ sở chính thức. Nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, song với quyết tâm của Giám đốc Hoà và anh em trong ban lãnh đạo, Trung tâm đã và đang làm được nhiều việc đáng trân trọng.
Thái Bình là tỉnh có số đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam lớn nhất trong cả nước, Vũ Thư lại là huyện có nhiều đối tượng bị nhiễm nặng nhất. Cảm thông với nỗi đau da cam mà nhiều người dân Thái Bình đang phải gánh chịu, Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình đã chọn đây là một trong những điểm được chú trọng với hoạt động của mình, nhằm trực tiếp chăm lo giúp đỡ cho những trẻ em bị di chứng chất độc da cam từ những người cha, người mẹ đã chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong chiến tranh chống mỹ cứu nước. Cách làm của Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình khác với nhiều đơn vị từ thiện. Họ phối hợp chặt chẽ với Hội NNCĐDC của huyện Vũ Thư rà soát các đối tượng bị bệnh nặng đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rồi đến tận nhà thẩm định. Các trường hợp được duyệt, Trung tâm trực tiếp quản lý hồ sơ và bảo trợ cho đến khi qua đời theo định kỳ hàng quý, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của Trung tâm. Hơn nữa hàng quý, Trung tâm cử cán bộ về huyện phối hợp với Hội NNCĐDC của huyện Vũ Thư trao tặng kinh phí và quà để dù “của ít, lòng nhiều’’ nhưng phải đến được tận tay những người được bảo trợ. Bởi vậy, khi chúng tôi vừa đến thôn Bồn thôn, xã Trung An thì đồng chí Trần Trọng Liêm, Phạm Tiến Thập, Nguyễn Thị Minh trong lãnh đạo Hội NNCĐDC huyện Vũ Thư đã có mặt. Chị Hoà, chị Ngọc, anh Khai đã cùng với anh Liêm, anh Thập, chị Minh nhắc tên từng cháu trong danh sách được Trung tâm bảo trợ thân thuộc như chính con em mình.
Trong số 30 cháu được bảo trợ suốt đời ở huyện Vũ Thư có một số cháu ở xã Vũ Đoài, Minh Khai, Trung An, Trung Hoà, Tân Phong, Tân Hoà, Song Lãng và thôn Phú Hội,… được gia đình đưa tới huyện Hội để trực tiếp nhận quà và tiền bảo trợ định kỳ. Nhìn các cháu ai cũng xót xa bởi di chứng của loại chất độc quái ác. Bố mẹ các cháu, khi bế con lên nhận quà cứ níu lấy Giám đốc Hoà nói lời cảm ơn Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình.
Gặp các cháu được coi là “ còn nhẹ “ nằm quắt queo trên tay bố mẹ, anh chị ở huyện Hội Vũ Thư chúng tôi đã cảm thấy đau thắt trong lòng, nhưng khi chúng tôi đến thôn Phú Mãn, xã Song Lãng để thăm gia đình cựu chiến binh ở chiến trường Quảng Trị Phạm Văn Nghĩa thì không ai cầm được nước mắt khi tận mắt nhìn 2 cháu trai là Hào 26 tuổi và Đại 21 tuổi đang nằm co quắp trên giường như những bộ xương, hai cháu nằm như hai cái xác lép kẹp đã gần 30 năm. Chị Nghĩa cho biết: “Ngày chồng chăm sóc, vợ ra đồng, tối vợ thay chồng nằm giữa hai cháu để xoa lưng, vuốt trán, nắm tay chân cho các cháu mỗi khi lên cơn co dật. Anh chị sinh được 4 cháu trai thì một cháu mất ngay sau khi mới sinh vì bị dị tật quá nặng, hai cháu sống gần như vô tri, vô giác. Người chiến sĩ đã từng kiên gan ở thành cổ Quảng Trị nay lại gồng mình quyết sống để chăm con. Công anh với Tổ quốc, với nhân dân lớn lắm, thế mà khi nhận quà từ tay Giám đốc Hoà vẫn nói trong nước mắt “ xin cảm ơn Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình, tấm lòng của các anh, các chị đã giúp gia đình tôi thêm nghị lực để vượt qua hậu quả tai ác của chiến tranh”.
Được chứng kiến một hoàn cảnh đau xót nữa khi đoàn chúng tôi đến thăm gia đình hai cựu chiến binh ở xã Minh Khai, thiếu tá Đoàn Văn Uyển và Trung sĩ Lê Thị Tẻo đều từ chiến trường Quảng Trị về. Anh vào chiến trường từ năm 1961. Anh chị xây dựng gia đình, có 3 con thì cháu Đoàn Thị Gấm bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, đổ bệnh từ nhỏ, nay đã 21 tuổi vẫn không biết gì. Càng lớn cháu càng phá phách, cắn, nhai tất cả quần áo chăn màn của mình. Hai cựu chiến binh dồn sức chăm con và tham gia hoạt động địa phương. Nhưng mấy năm nay anh Uyển sức yếu dần rồi bị bệnh nằm liệt hẳn. Một mình chị Tẻo vừa làm đồng vừa chăm chồng, chăm con. Đồng chí Cử, Phó Chủ tịch xã Minh Khai, có mặt tại nhà anh Uyển khi đoàn đến, cho biết: Đây là một trường hợp đặc biệt khó khăn trong 18 gia đình cựu chiến binh có con bị bệnh do di chứng của chất độc da cam ở xã Minh Khai này. Xã cũng đã xây dựng quỹ ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam để hỗ trợ một phần cho các gia đình khó khăn. Anh Cử nói: Đảng, Chính quyền đều chăm lo nhưng địa phương còn nghèo, có được sự hỗ trợ như của Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình thật là quý. Chúng tôi coi đây là sự động viên không chỉ cho gia đình anh Uyển mà là nghĩa cử làm ấm lòng những gia đình có công nhưng đang gặp khó khăn.
Tạm biệt các cháu nạn nhân chất độc da cam, tạm biệt gia đình các cựu chiến binh ở huyện Vũ Thư, lòng chúng tôi xốn xang bao điều. Điều mừng là, tuy còn nhiều việc phải làm sau chiến tranh, nhưng Đảng Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Tỉnh, huyện đều có Hội Nạn nhân chất độc da cam để nắm tình hình, hỗ trợ các gia đình bị nạn. Tuy nhiên đất nước ta còn nghèo rất cần đến các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cùng chung tay. Trung tâm Nhân đạo Hoà Bình là một tổ chức xã hội tự nguyện trực thuộc Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã phát huy cao độ truyền thống “ Lá lành đùm lá rách’’, “thương người như thể thương thân’’. Làm được những điều nhân ái cao quý là vậy, nhưng Giám đốc Hoà vẫn còn băn khoăn nói với tôi: “Sự đau khổ về tinh thần và thể xác của các nạn nhân quá lớn, nhưng chúng tôi giúp đỡ chưa được là bao. Tôi luôn trăn trở làm thế nào để Trung tâm ngày càng lớn mạnh, thu hút được nhiều nguồn tài trợ, tạo thêm nguồn thu từ hoạt động của mình để có thể mở rộng diện bảo trợ, góp phần giảm bớt khó khăn cho nạn nhân, bởi họ chính là con em của những người có công với Tổ quốc, với nhân dân”. Tôi tin đó là những tâm tư từ đáy lòng của những cán bộ lãnh đạo ở Trung tâm này, những cán bộ đã tự nguyện đứng ra thành lập một tổ chức không vụ lợi, thậm chí để xây dựng như ngày nay họ đã bỏ không ít sức lực, kể cả tiền của nhà mình để giúp Trung tâm ổn định, phát triển và đã làm được những việc nhân đạo từ thiện mang đầy ý nghĩa nhân văn cao cả trong suốt hơn hai năm qua. Đó là những tấm lòng nhân ái đáng quý !