Trước thực trạng trẻ em bị chết đuối gia tăng, nhiều bậc phụ huynh và các cơ quan hữu trách đề xuất: cần cấp thiết phổ cập môn bơi lội cho học sinh.
10 trẻ chết đuối mỗi ngày
Đã hơn 1 tháng trôi qua, gia đình anh Nguyễn Văn Cường (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn bàng hoàng trước sự ra đi của cậu con trai 14 tuổi. Chiều 10.6, con trai anh Cường là Nguyễn Thế Mạnh cùng 2 người bạn đồng trang lứa sang nhà bà ngoại ở xã Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) chơi. Cả 3 em rủ nhau ra sông Hồng tắm và Mạnh không may bị chết đuối. Anh Cường nghẹn ngào: “Gia đình tôi đau lòng lắm, mẹ cháu giờ vẫn lúc mê lúc tỉnh bởi hình ảnh cháu lúc nào cũng lởn vởn trong đầu. Giá như các trường học đưa môn bơi lội vào giảng dạy, thì nguy cơ tử vong có lẽ giảm đi rất nhiều. Tôi mong các bậc cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến con cái, nhất là trong dịp hè. Chú ý đừng để các cháu nhỏ chơi ở gần sông, hồ ao”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối (đuối nước) trong thời gian qua. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ em như: vụ đắm đò tại bến Chôm Lôm (Nghệ An), tại bãi đá Nhật Tân (Hà Nội), ở đập thủy điện Quảng Bình… Theo ông Nguyễn Trọng An – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội), đuối nước là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em cao nhất. Chỉ riêng năm 2008 đã có 3.523 trẻ em và người chưa thành niên tuổi từ 0-19 bị tử vong do đuối nước; tính trung bình mỗi ngày có 10 trường hợp trẻ bị chết đuối.
Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội trong 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy đã có 218 trẻ tử vong do đuối nước. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đàm Hữu Đắc cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn, do sự thiếu trách nhiệm khi để lại các hố nước sâu tại các công trình sau khi xây dựng xong và do trẻ thiếu ý thức khi đi bơi tại những nơi nguy hiểm…
Tỷ lệ chết đuối cao nhất khu vực
Tình hình đuối nước ở trẻ em Việt Nam gia tăng đến mức báo động, khiến các tổ chức quốc tế cũng vào cuộc. Ông Jean Dupraz, quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cảnh báo: “So với các nước trong khu vực, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam là cao nhất, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động mạnh ngay lập tức”. Theo ông Jean Dupraz, đuối nước là tai nạn có thể phòng tránh được và để giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ cần có sự cam kết cũng như phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quần chúng…
Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc kêu gọi: “Đã đến lúc toàn thể xã hội, các ngành, các cấp cần phải có những hành động quyết liệt, cụ thể để ngăn chặn tai nạn, bảo vệ an toàn cho trẻ em. Hãy phòng ngừa tai nạn ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải dấy lên phong trào hướng dẫn tập bơi cho trẻ nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Còn ông Nguyễn Trọng An cho biết thêm: “Từ cuối năm 2009, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đã phối hợp với Bộ GD-ĐT thí điểm dạy môn bơi trong trường học. Dạy trẻ em biết bơi là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên để triển khai rộng rãi, cần phải có lộ trình như: đầu tư xây hồ bơi tại các trường học, chuẩn bị đội ngũ giáo viên…”.