Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Hoa Hồng – BV Phụ sản Trung ương tư vấn những rắc rối thường gặp ở giai đoạn đầu mang thai và một số lưu ý đối với thai phụ trong giai đoạn này.
Trong ba tháng đầu mang thai về hình thức cơ thể bạn dường như không thay đổi nhiều, song đây cũng là giai đoạn nhạy cảm và tương đối mệt mỏi với nhiều thai phụ. Do nội tiết trong cơ thể thay đổi nên trong giai đoạn đầu bà Bầu dễ mắc các bệnh nhiễm virus như cúm, sởi,.. gây nên những bất thường cho thai nhi. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe nói chung và quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn đầu mang thai là điều quan trọng và cần thiết với bà bầu.
Mệt mỏi: Đây là cảm giác thường gặp trong giai đoạn đầu mang thai. Điều này được xem là một cách phản ứng tự nhiên của cơ thể thai phụ với quá trình thay đổi hàm lượng hoormon trong cơ thể khi mang thai. Để loại bỏ được cảm giác này bà Bầu hãy đảm bảo giấc ngủ 8 tiếng/ngày của mình và loại bỏ những stress ra khỏi tâm trạng để tránh mệt mỏi.
Ốm nghén: Phần lớn thai phụ đều trải qua giai đoạn này, nôn và buồn nôn là biểu hiện dễ gặp nhất của hiện tượng ốm nghén. Cải thiện tình trạng này bà Bầu có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để tránh cảm giác “ngán” đồng thời thai phụ cũng nên cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần (khoảng 8 cốc nước một ngày).
Đi tiểu thường xuyên: Do sự phát triển của thai nhi gây nên sức ép cho bàng quang vậy nên sẽ khiến bà Bầu thường xuyên buồn tiểu. Điều này là dấu hiệu bình thường, nhưng sẽ là bất thường nếu thai phụ đi tiểu kèm theo cảm giác đau rát, lẫn máu trong nước tiểu và phải đi thăm khám ngay nếu bà Bầu nào gặp hiện tượng như thế.
Nhiễm virus cúm: Khi mang thai 3 tháng đầu, bạn cần tránh để mắc các bệnh nhiễm virus như cúm, sởi vì có thể gây những bất thường cho thai nhi. Nếu bị cúm, bà Bầu tuyệt đối phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc.
Lưu ý cho các mẹ mang bầu:
Chế độ ăn uống
Ăn uống lành mạnh và cân bằng là điều rất quan trọng với thai phụ trong thời điểm nhạy cảm này. Bà Bầu cần cung cấp đủ dinh dưỡng không những cho bản thân mà còn cho em bé trong bụng. Nên hạn chế những đồ uống có chứa cafphein, chứa cồn. Thai phụ nên kiên quyết đoạn tuyệt với những thực phẩm đã biến chất vì những độc tố có trong thực phẩm này gây hại cho sức khỏe. Trong 2 – 3 tháng đầu mang thai, phôi thai đang phát triển, tế bào phôi đang trong giai đoạn phân hóa, lúc này nếu độc tố xâm hại, khiến nhiễm sắc thể bị phá vỡ hoặc có biến dạng, có khi ngừng phát triển và dẫn đến thai nhi bị chết hoặc sảy thai, dị tật bẩm sinh như bị tim.
Thuốc bổ
Việc bổ sung sắt, axit folic, canxi và các vitamin là điều cần thiết tuy nhiên bà Bầu cần dùng theo sự chỉ định của bác sĩ để phù hợp với cơ thể mình. Mặt khác cũng không nên lạm dụng quá nhiều vào việc sử dụng thuốc trong giai đoạn này.
Trang phục
Bạn phải ăn mặc sao cho thoải mái, không nên mặc quần quá chặt và đi giầy cao gót. Nên chọn cho mình những nội y bằng cotton thoải mái. Nếu chọn quần chip không phù hợp có thể làm cho bạn bị viêm nhiễm, áo ngực quá chặt cũng ảnh hưởng tới việc hình thành tuyến sữa của bà Bầu.
Sảy thai
Hầu hết các trường hợp sảy thai đều xảy ra trong vòng 12 tuần lễ đầu. Vì vậy, trong 3 tháng đầu thai phụ tránh lao động nặng, hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.Vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp vì nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sảy thai.
Tình dục
Các bác sĩ sản khoa và các nhà chuyên môn đã thống nhất rằng, trong thời gian người phụ nữ mang thai, việc vợ chồng giao hợp không bị cấm, nhưng nên thận trọng. Nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ, người chồng nên tránh giao hợp hoặc giao hợp nhẹ nhàng, vì đây là giai đoạn bắt đầu hình thành các cơ quan, bộ phận của thai nhi, bánh rau, buồng ối bắt đầu phát triển.
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ cơ thể thai phụ sẽ trải qua nhiều thay đổi, điều chỉnh để thích nghi với sự phát triển của em bé. Bạn hãy chọn cho mình một chế độ ăn lành mạnh cùng một sức khỏe tốt để đối phó với giai đoạn này.