Cho đến giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết luận chính xác về căn nguyên của chứng tự kỷ. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra rồi lại bị bác bỏ. Đủ các kiểu nguyên nhân, nào là do gen di truyền, do “bà mẹ băng giá”, do rối loạn đường ruột, do trục trặc trong quá trình mang thai và sinh nở, do hàm lượng thủy ngân trong vắc xin…
Vụ kiện 10 năm của cha mẹ tự kỷ ở Mỹ về thủy ngân trong vắc xin gây tự kỷ đã kết thúc, và mình cũng gỡ được một mối lo lắng trong lòng. Thế là lại tiếp tục tiêm phòng những mũi còn lại.
Một nghi vấn đáng lưu tâm nhất, có vẻ có lí nhất về nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ là sự “nhiễm độc tổng thể” của bà mẹ trong thời kỳ thai nghén. Nếu thai nhi yếu, nguy cơ của sự nhiễm độc này sẽ càng cao. Sự nhiễm độc tổng thể ở đây có thể được hiểu là sự nhiễm độc môi trường sống từ khí thở, nguồn nước, đến thực phẩm, và quan trọng hơn nữa là sự tù túng, bức bách về tinh thần. Chúng ta thử hình dung, một thai phụ ở giữa thủ đô ngàn năm văn vật này hàng ngày phải đối diện với những cái gì?
Họ hít thở một bầu không khí ô nhiễm, ăn những loại thực phẩm độc hại, họ phải chịu rất nhiều áp lực về công việc, gia đình, tiền bạc… Sáng ra đường đã gặp ngay cảnh kẹt xe, khói bụi, còi xe inh ỏi, đến cơ quan thì lại áp lực chuyện công việc, áp lực trong các mối quan hệ vô cùng phức tạp với đồng nghiệp. Về nhà thì vùi vào một đống việc không tên, áp lực về các chiêu để giữ chồng trong thời kỳ nhan nhản “cơm, phở” đủ loại, áp lực về một thằng cu nối dõi, áp lực về trách nhiệm nuôi con khỏe dạy con ngoan trong một xã hội hỗn tạp, áp lực về những giá trị thực – ảo, áp lực vì dự cảm tương lai rất đỗi mong manh…
Dĩ nhiên, khi mang bầu, tất cả các bà mẹ đều ý thức được rằng thái độ sống của mình thường ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Do vậy, có lẽ hầu hết họ đều cố gắng để sống lạc quan, vui vẻ, hớn hở, vô lo. Và họ cũng tìm đủ mọi cách như dạo chơi, thư giãn, nghỉ ngơi, nghe nhạc cổ điển… Nhưng điều đó không có nghĩa là họ được giải phóng thực sự khỏi những ám ảnh hỗn loạn của đời sống.
Khi được hỏi về sức khỏe trong quá trình mang thai, đa số họ trả lời: sức khỏe tốt, không cảm sốt trong ba tháng đầu tiên, không có vấn đề nghiêm trọng về tâm lí. Có lẽ, ít ai nghĩ, một cái nhíu mày hay một thoáng âu lo cũng có thể hằn lại những dấu vết trong sự phát triển của thai nhi.
Con số 1/110 ở Mỹ là một lời cảnh báo đối với một xã hội hiện đại quá mệt mỏi, căng thẳng. Và ở VN, theo thống kê nào đó đọc qua 1 lần rồi không nhớ rõ, hình như hơn 60% trẻ em tự kỷ có bố mẹ là trí thức, 20% là thương nhân và công nhân, còn khoảng gần 10% là con nông dân.
Nếu xét theo khía cạnh giai cấp thì con trí thức vượt trội trong cái tỉ lệ không mong muốn này. Suy luận vẩn vơ, có thể thấy có vẻ như những người làm việc đầu óc chịu nhiều áp lực hơn, và cuộc sống ở thành thị có nguy cơ nhiễm độc cao hơn.
Hay có khi nào, ở nông thôn con số tự kỷ có thể nhiều hơn nhưng do cha mẹ thiếu hiểu biết nên chưa phát hiện ra bệnh tật của con? Hoặc giả là, ban đầu có thể cũng có trẻ ở nông thôn mang mầm bệnh, nhưng do được lớn lên trong môi trường tốt, thiên nhiên hài hòa, thực phẩm tự cung tự cấp sạch sẽ, đời sống sau lũy tre làng không quá bon chen, trẻ con và người lớn sống thân thiện, gần gũi… nên những đứa trẻ có nội lực mạnh sẽ thoát được cái vỏ tự kỉ. Còn ngược lại, một đứa trẻ sống ở thành phố, với những bất lợi về môi trường, sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Lại nói đến điều kiện sống của trẻ con ở thành phố. Bọn trẻ con ở thành phố bây giờ gần như bị đánh cắp tuổi thơ. Chúng được bao bọc trong nhung lụa nhưng tâm hồn nghèo nàn vô cùng. Chúng được chăm sóc cẩn thận nên thân thể phổng phao, thơm tho, sạch sẽ, xinh xắn, nhưng gần như ít ai để ý về đời sống tinh thần yếu ớt của chúng.
Những ông bố bà mẹ mải mê công việc và những đam mê riêng, quẳng cho con hàng tá đồ chơi mà chẳng mấy khi chơi cùng chúng. Bọn con trai thì suốt ngày siêu nhân và siêu nhân, nghiện đến nỗi ám ảnh cả trong mơ vẫn còn chiến đấu và tiêu diệt, lũ con gái suốt ngày mê mẩn những công chúa baby, thay hết váy vàng đến váy xanh váy đỏ. Bọn chúng xem ti vi suốt ngày, từ bibi đến phim truyện tâm lí tình cảm xã hội và khi mới 3-4 tuổi đã biết ai yêu ai, sắp đến cảnh hôn nhau hay chưa, nhà giàu hay nhà nghèo… Ở trường mẫu giáo, chúng được nhốt im ỉm trong phòng gần hết ngày, tối về lại tiếp tục bị nhốt trong nhà.
Trẻ con thành phố ít được thấy cây cỏ, con vật, ít được chơi những trò mạo hiểm để thử thách lòng can đảm, để có dịp khám phá những năng lực kì diệu của chúng. Chúng không còn những trò chơi hồn nhiên, có tính gắn kết tập thể hay mơ mộng như thế hệ mình ngày trước. Do vậy, càng lớn lên, chúng càng cô lập và ích kỷ. Một ai đó đã nói với mình về nỗi lo cho một thế hệ tương lai toàn những trẻ tự kỷ và những trẻ ích kỷ.
Thỉnh thoảng đưa Bờm ra công viên, thấy vài cặp vợ chồng dắt con cái dạo chơi. Nhưng mà liếc qua bên kia bờ rào công viên lại thoáng một chút buồn, mấy cái quán bia hơi Hà Nội hôm nào cũng tấp nập chen chúc. Chỉ có chủ quán bia là hớn hở tài lộc. Còn bao nhiêu người vợ tủi thân chờ chồng bên mâm cơm đã nguội, bao nhiêu đứa trẻ buồn xo cả tuần không được gặp bố, không được bố thơm lên trán và chúc ngủ ngon…
Lại nói tiếp chuyện trẻ tự kỷ, khi được phát hiện rồi, không phải cháu nào cũng được chữa chạy chu đáo. Ở nông thôn thì cha mẹ thiếu kiến thức, mà lại nghèo, có biết cũng lấy đâu ra tiền mà cho con học trị liệu. Ở thành phố, bố mẹ có khi biết bệnh con rồi lại quá tuyệt vọng, sầu não than thân trách phận, rồi có khi lại rơi vào mê tín cúng bái tứ phương.
Cũng có nhà, vì sĩ diện, không dám chia sẻ câu chuyện bệnh tật của con mình, lẳng lặng mời giáo viên về nhà dạy riêng, tách biệt cháu với môi trường xã hội. Người khác, đưa con đi chữa chạy hết chỗ này chỗ kia, phó mặc hết cho giáo viên mà không hề hiểu tự kỷ là gì. Còn có những người, đã làm hết sức rồi, mà do con thuộc thể nặng, cũng chẳng cải thiện gì hơn được…
Nhưng tóm lại, ở VN, kiến thức của cả bác sĩ, giáo viên đặc biệt và phụ huynh tự kỷ đều chưa bài bản, chưa có những mô hình chuẩn cho việc chăm sóc và chữa trị cho các cháu, nên khả năng khỏi bệnh và tiến bộ nhiều là vô cùng hiếm hoi. Đã số trẻ được can thiệp, về sau vẫn khó tự lập, vẫn để lại rất nhiều nét khó mà xóa mờ.
Một lần đọc trên VietnamNet một bài về người ta phát hiện trẻ tự kỷ có thể chưa khỏi khi chúng được chơi với chó mà thấy vui buồn lẫn lộn, vui vì giờ con người ta ngày càng phát minh ra nhiều phương pháp hữu hiệu, thú vị, phù hợp với tâm lí trẻ nhỏ. Nhưng buồn vì sao phải nhờ đến chó mới chữa được khỏi bệnh mà không phải là mẹ, là bố, là cô giáo, là bạn bè…
Nếu sau này, khoa học khẳng định chắc chắn nguyên nhân tự kỷ là do sự nhiễm độc từ môi trường sống, và thống kê chắc chắn là ở nông thôn ít nguy cơ hơn, thì nhất định là mình sẽ vác bị về quê thôi. Bỏ hết những ánh đèn màu xanh đỏ, những rạp chiếu phim thiên đường và cà phê nhạc sống, bỏ cả blog với facebook, mình về quê vui thú điền viên, nuôi gà chăn lợn, trồng dâu nuôi tằm, thả muống vớt bèo, muối cà muối dưa, rảnh rỗi thì tám chuyện với hàng xóm bên ấm nước chè xanh sáng trưa chiều tối, luộc củ khoai củ sắn bằng bếp củi thơm lừng, Bờm và em của Bờm sẽ manh áo phơi giữa trời đông giá rét mà không hề ho hen cảm lạnh, lăn lê giữa đất mà không sợ nhiễm trùng.
Có thể rồi sẽ không như thế, nhưng mình vẫn tham lam ước rằng giá như một ngày nào đó Bờm được học ở những ngôi trường rợp mát cây xanh, ở trong ngôi nhà cũng có nhiều cây xanh, có ao cá, chuồng gà, bước chân ra khỏi nhà là gặp những cánh đồng lúa, những cánh đồng cỏ mênh mông . Một ngày nào đó, nắng vàng rực rỡ, cả nhà mình được dạo chơi giữa một cánh đồng hoa dại, hít thở cái hương thơm ngạt ngào của trời đất, và những mái tóc, dù lơ thơ của hai mẹ con, sẽ được bay tung lên trong bầu trời lộng gió. Ngày nào đó…