Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng tổn thương lớp niêm mạc của các bộ phận trong tai giữa gây chảy mủ tai. Bệnh xảy ra sau những đợt viêm tai giữa cấp không được chữa trị thích hợp. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn và gây nhiều khó chịu cho người bệnh vì hay tái phát, ảnh hưởng tới học tập và làm việc.
Khi bị viêm tai giữa mạn, tai thường chảy mủ, mủ có thể chảy liên tục, có thể chảy từng đợt, người bệnh nghe kém. Nước chảy ra ban đầu là dịch đục không hôi. Một thời gian sau, nước chảy ra là mủ màu trắng hay vàng, có mùi rất hôi. Nếu không điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây những biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên và viêm màng não gây nguy hiểm cho người bệnh. Viêm tai giữa mạn thường có 2 loại, viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy và viêm tai giữa chảy mủ mạn tính.
Viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy: Với triệu chứng tai chảy dịch nhầy như dịch mũi, nếu lâu ngày không lau tai sạch và không dùng thuốc điều trị có thể thành dịch mủ.
Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính gồm:
Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính có cholesteatoma: Là loại viêm tai giữa nhiễm khuẩn thường gây tổn thương hệ thống xương con trong hòm nhĩ, phá hủy mê nhĩ và có thể gây ra các biến chứng sọ não rất nặng như: viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe tiểu não… Triệu chứng, đầu tiên người bệnh nghe kém, chảy mủ tai thường xuyên, nhưng rất hôi.
Viêm tai xương chũm cấp tính: Thường xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính không được điều trị dứt điểm, dùng kháng sinh không đúng liều lượng, không phù hợp, nên gây ra biến chứng viêm tai xương chũm. Biểu hiện lâm sàng thường đau tai tăng lên kèm theo sốt, đau nửa đầu dữ dội. Soi tai thấy mủ đặc tai giữa, ấn vùng xương chũm đau.
Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm: Là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính, bệnh nhân có tiền sử viêm tai xương chũm đã được điều trị nhiều lần, tai đã khô và đỡ ù, đột ngột xuất hiện đau tai, ù tai tăng lên, nghe kém, có thể kèm theo chóng mặt, mủ tai chảy nhiều hơn kèm theo sốt cao, ấn vùng xương chũm rất đau. Trong đợt hồi viêm rất dễ xảy ra các biến chứng như: liệt mặt, viêm mê nhĩ, biến chứng sọ não – áp xe ngoài màng cứng…
Điều trị viêm tai giữa mạn tính phải kiên trì, việc điều trị nội khoa cần được cân nhắc với mức độ tổn thương tai để chỉ định phù hợp.
Tóm lại, việc điều trị viêm tai giữa mạn tính có đạt kết quả tốt hay không phụ thuộc chủ yếu ở người bệnh. Đặc biệt lưu ý, các thuốc uống và thuốc nhỏ tai trong điều trị viêm tai giữa mạn tính phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng, bởi một số thuốc nhỏ tai khi màng nhĩ thủng nếu sử dụng sẽ gây điếc tai không hồi phục, ngay cả việc sử dụng dung dịch ôxy già làm sạch mủ tai cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Thường xuyên giữ vệ sinh tai, nên tránh bụi, nước bẩn vào tai và vệ sinh mũi họng.
BS. Nguyễn Minh Hiệp – Sức Khỏe & Đời Sống