Khi không được điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 30 trẻ bị nhiễm HIV. Nhưng nếu các bà mẹ này được điều trị dự phòng thì chỉ có từ 3-10 trẻ bị nhiễm HIV.
Dự phòng càng sớm, hiệu quả càng cao
Theo kết quả giám sát trọng điểm của Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai của cả nước đang có xu hướng gia tăng. Trong số phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nhiều người đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu là do bản thân thai phụ, phụ nữ nhiễm HIV thiếu thông tin, thiếu kiến thức, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi. Hầu hết số phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ. Do đó, rất khó khăn trong việc tư vấn xét nghiệm tự nguyện và quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS.
Ước tính mỗi năm Việt Nam có từ 1 đến 1,5 triệu phụ nữ mang thai thì có khoảng 6.000 người bị nhiễm HIV/AIDS và gần 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ (chiếm 30% tổng số sản phụ nhiễm HIV). Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Khi không được điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 30 trẻ bị nhiễm HIV. Nhưng nếu các bà mẹ này được điều trị dự phòng thì chỉ có từ 3-10 trẻ bị nhiễm HIV tuỳ theo thời điểm bắt đầu dùng thuốc, việc tuân thủ điều trị và một số yếu tố khác. Điều trị dự phòng càng sớm sẽ càng mang lại hiệu quả cao.
Có thể giảm tỉ lệ lây truyền xuống dưới 2%
Nhằm giảm thiểu lây truyền HIV, năm 2009, Bộ Y tế đã phát động và triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn quốc. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ có HIV. Mục tiêu của chương trình này đến năm 2010 là: 90% phụ nữ mang thai được tư vấn về HIV/AIDS và 60% số phụ nữ mang thai được tư vấn tự nguyện xét nghiệm HIV; 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ nhận được gói dịch vụ toàn diện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 90% bà mẹ nhiễm HIV và con của họ được tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau khi sinh. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2009, trên toàn quốc đã tiến hành tư vấn xét nghiệm HIV trước sinh cho 298.934 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện 453 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và 369 trường hợp đã được điều trị dự phòng.
Trong nỗ lực giảm thiểu tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện một số mô hình nâng cao chất lượng dân số như: Tư vấn, kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân, Sàng lọc trước sinh, Sàng lọc sơ sinh. Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ giải thích: “Việc chăm sóc, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS như là một cấu phần trong Đề án Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, tức là các cặp thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn, kiểm tra sức khỏe…, trong đó có việc vận động họ tự nguyện xét nghiệm HIV, viêm gan B để có chính sách chăm sóc và hỗ trợ. Đối với phụ nữ mang thai chúng tôi vận động họ tự nguyện xét nghiệm HIV với thông điệp “Xét nghiệm cho mẹ, sức khỏe cho con”. Nếu như chúng ta xét nghiệm sớm, điều trị sớm sẽ giảm tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con. Nếu bình thường, tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con trên 30%, nhưng nếu chúng ta dự phòng tốt thì sẽ giảm xuống dưới 10% hoặc dưới 5%, thậm chí dưới 2%. Chiến lược phòng chống HIV/AIDS của nước ta đến năm 2010 là giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con xuống dưới 10%. Nhưng thực tế, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh nhờ làm tốt công tác dự phòng, tỉ lệ này đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2007”.