Kế hoạch sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng trong quá trình trước và khi mang thai có vai trò quan trong trong sự phát triển của bào thai. Thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng của người mẹ có thể tăng cường sức khỏe cho bé hoặc cũng có thể gián tiếp gây ra cho bé những bệnh tật sau này như tiểu đường, tim mạch.
Có ba nguyên tắc cơ bản để có được chế độ dinh dưỡng lành mạnh:
Đa dạng thực phẩm: Có nghĩa là đảm mọi chất dinh dưỡng thiết yếu có trong những bữa ăn hàng ngày, bao gồm tất cả các nhóm thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, rau quả, thịt, các chế phẩm từ thịt, sữa và chất béo.
Cân bằng thực phẩm: Tháp dinh dưỡng là một kiểu định hướng cân bằng thực phẩm hàng ngày cho con người với thực phẩm chủ chốt nên được ăn nhiều nhất là ngũ cốc, tiếp theo là rau quả và trái cây, ít hơn một chút là protein bao gồm sữa, thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa, cuối cùng là chất béo.
Kiểm duyệt thực phẩm: Nguyên tắc kiểm duyệt thực phẩm sẽ giúp hạn chế được những loại thức ăn không có lợi cho sức khỏe như đồ ngọt, đồ ăn nhanh… Chúng là những thức ăn chứa nhiều calo nhưng ít chất dinh dưỡng. Nguyên tắc kiểm duyệt thực phẩm được duy trì trong suốt quá trình mang thai của người phụ nữ, vì thực hiện được nguyên tắc này có nghĩa là người mẹ đang mang lại những giá trị dinh dưỡng tốt cho em bé trong bụng.
Ngoài ba nguyên tắc thực phẩm trên, để có được chế độ dinh dưỡng lành mạnh, phụ nữ mang thai cần biết tới khái niệm dinh dưỡng bổ sung. Dinh dưỡng bổ sung có nghĩa là bổ sung các acid và vitamin quan trọng trong lúc mang thai để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi như acid folic, vitamin A. Nguồn thực phẩm cung cấp acid folic dồi dào bao gồm các loại đậu, bột yến mạch, các loại rau xanh như măng tây, rau cải.. và các thực phẩm tăng cường chất với acid folic như ngũ cốc, bánh mỳ.
Với các loại vitamin bổ sung, cần lưu ý khi bổ sung vitamin A. Tham khảo và xin sự chỉ dẫn của bác sỹ khi bổ sung vitamin A, vì các loại vitamin nếu không được sử dụng đúng liều lượng sẽ trở thành yếu tố gây hại cho sức khỏe em bé.