“Khi tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trẻ em chưa ngoan, trẻ em làm trái pháp luật, chúng ta thường có xu hướng chia đều trách nhiệm cho gia đình, nhà trường, xã hội… Điều này đúng, song như vậy sẽ dẫn tới tình trạng “hòa cả làng”.
Cha mẹ ly hôn, con thành phạm pháp
Hùng là đứa con sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là cán bộ nhà nước, kinh tế không khá giả nhưng mọi người yêu thương nhau. Hùng luôn là học sinh giỏi cấp quận. Sau khi mẹ Hùng đi lao động ở nước ngoài về thì mâu thuẫn giữa bố và mẹ em bắt đầu nảy sinh. Trước những cuộc cãi vã, mạt sát nhau, tình yêu và lòng kính trọng của
Hùng đối với bố mẹ đã trở thành lòng oán hận, thất vọng và chán đời.Khi bố mẹ bỏ nhau, em đã bỏ học, ăn cắp tiền của bố và bỏ đi lang thang, bụi đời. Được nửa tháng em lại trở về vì hết tiền. Bố em đã vui với cuộc sống gia đình mới. Mẹ bận rộn bán hàng, do đó nghĩ rằng cho con tiền để con vui chơi khuây khỏa rồi khuyên nhủ em đi học lại. Song có tiền mẹ cho, em tiếp tục giao du với đám bạn xấu và nhiễm tệ nạn nghiện hút. Hết tiền Hùng bắt đầu đi trấn lột và bị bắt trong khi đang rạch túi của một phụ nữ.
Cường là một cậu bé sinh năm 1992. Bố của Cường bỏ rơi mẹ con Cường khi em vừa chào đời. Sau đó mẹ Cường lại quan hệ với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác và có với họ những đứa con. Cường rất oán hận mẹ và ghét những người đàn ông kia. Em bỏ nhà đi hoang. Lúc đầu em sống bằng công việc ăn xin, bới rác và bán kẹo cao su.
Sau đó em gặp một đám trẻ lang thang khác, chúng rủ Cường đi ăn cắp cốp, còi, gương xe máy. Em tập hút thuốc lá, uống rượu và sau hít thử heroin. Em đã bị bắt trong một vụ trộm cắp phụ tùng xe máy.
Có bố mẹ… cũng như không
Cô bé Lan mới 14 tuổi, bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên em phải sống với cậu mợ. Ban đầu em đau khổ, thất vọng vì nghĩ mình là người bất hạnh nhất trên đời.
Nhưng khi đi học, tâm sự, trò chuyện với đám bạn cùng lớp, cô bé nhận ra mình còn hạnh phúc hơn nhiều bạn bè khác. Chúng cũng không hơn gì cô. Chúng có cha, có mẹ, nhưng cha mẹ chúng quá bận rộn với công việc cơ quan, về đến nhà là bố mẹ chúng có những công việc riêng, ít khi quan tâm đến chúng, do đó chúng cũng bất hạnh không kém. Cô đã gọi chúng là “Những đứa trẻ mồ côi cha kiểu mới”.
Lời tâm sự của cô gái làm cho chúng ta cảm thấy buồn bởi vì rất nhiều người cha, người mẹ thành đạt trong cuộc sống xã hội đã lựa chọn một lối sống thiếu bóng dáng những đứa con.
Một người cha ít quan tâm đến con, chỉ biết mua sắm cho con tất cả những tiện nghi hiện đại nhất để chúng giải trí đã phải giật mình khi một hôm bắt quả tang đứa con trai mười sáu tuổi của mình thuê băng sex về xem cùng đám bạn bè, rồi chúng bắt chước băng quan hệ tình dục tập thể tại nhà mình.
Một ông bố đã nổi giận lôi đình khi nhận ra con mình đã nghiện hút quá lâu mà nay mình mới biết. Vì giận nên ông có những hành động quá cứng rắn, làm cho đứa con bỏ nhà đi bụi, đi hoang. Có ông bố mua xe máy xịn cho con, mỗi tháng cho nó vài triệu đồng để học thêm hết môn này đến môn khác, nhưng ông không biết rằng nó đã bị nhà trường đuổi học từ lâu. Có người bố thờ ơ đến mức con gái đi làm nhà hàng mà vẫn tưởng nó đi làm gia sư buổi tối.
Như vậy người bố, người mẹ chỉ biết lo cho kinh tế gia đình, bận rộn hết lòng với công việc cơ quan, xã hội thôi chưa đủ để trở thành người bố, người mẹ tốt được. Cái chúng cần không chỉ là tiền bạc và tiện nghi mà chúng cần tình yêu thương của mẹ của cha.
Và… những tấm gương mờ
Không có bố mẹ đã là một điều bất hạnh, có bố mẹ nhưng ít quan tâm, không tròn trách nhiệm còn bất hạnh hơn. Song bất hạnh nhất lại là những đứa trẻ có những người bố, người mẹ hư hỏng, là tấm gương mờ cho con cái. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình mà ở đó người bố rượu chè bê tha, mẹ lười nhác công việc, chỉ ham muốn hưởng thụ, ăn nói và đối xử với mọi người thiếu lễ độ… khó mà trở thành một người yêu lao động, sống mẫu mực.
Một em trai có bố đi tù vì đánh bạc. Sau đó mẹ em bị bắt đi tù vì tội buôn người sang Trung Quốc. Em ở với bà chị gái lớn là người vừa làm nghề gội đầu, vừa buôn bán lẻ heroin. Sau khi chị bị bắt và đi tù, em lại ở cùng anh rể. Anh rể lại là người nghiện ma túy nặng đã bán cả nhà của bố mẹ vợ đi để lấy tiền chích hút. Hậu quả tất yếu dẫn đến là em đã bỏ nhà đi lang thang, nghiện heroin, tiếp tay cho người buôn bán heroin và cuối cùng bị bắt vì tội ăn cắp xe đạp.
Một em gái 14 tuổi. Bố em làm nghề dắt mối cho khách mua dâm. Tối tối bố mẹ lại nói chuyện về công việc của mình trước mặt con cái. Say mê với nghề chăn dắt gái mại dâm, bố em ít quan tâm tới con cái. Em bỏ học năm lớp chín vì học kém và chán học. Em đi làm tiếp viên quán karaoke. Do tiếp xúc với môi trường xấu, em đã bị ép nghiện hút và dần dần tiếp khách mua dâm. Đến lúc bố em phát hiện em nghiện nặng đã đưa em vào trại cai nghiện…
Phải làm sao bây giờ?
Xã hội nói chung và các tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ em, những người quan tâm đến trẻ em nói riêng cần có những chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
Trong những xã hội kém phát triển, người cha mất quá nhiều thời gian và công sức vào việc lo kinh tế cho cả gia đình. Song khi xã hội đã đạt đến trình độ phát triển nhất định, người phụ nữ cũng tham gia lao động và kiếm sống, sức ép của cái ăn không quá nặng nề nữa thì bắt buộc người đàn ông phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con cái.
Luật pháp cần thực hiện nghiêm khắc và triệt để những hình phạt đối với những người cha thiếu trách nhiệm để con cái có những hành vi vi phạm pháp luật. Tiêu chuẩn gia đình hòa thuận, con cái ngoan ngoãn phải trở thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự thành đạt hay bình bầu những danh hiệu đối với người đàn ông trong xã hội (Ví dụ: Ông bố không thể được đề bạt nắm giữ một chức vụ nào đó trong cơ quan, không được danh hiệu lao động giỏi… khi không hoàn thành trách nhiệm với gia đình, con cái hay để có những đứa con vi phạm pháp luật!)
Ngày xưa khi con cái phạm tội, cha mẹ chúng bị làng xử phạt. Ngày nay chúng ta có luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, song có lẽ chưa có quy định cụ thể về hình phạt đối với những người cha người mẹ chưa tròn trách nhiệm với con cái, nên việc thi hành luật này còn hạn chế. Song dù sao chăng nữa những người cha người mẹ hãy nên suy nghĩ xem mục đích phấn đấu của cả cuộc đời mình là cái gì, nếu như không phải vì hạnh phúc của mỗi gia đình, của chính con cái. Bạn có hạnh phúc thật sự không khi bạn có địa vị, có công danh, có tiền bạc thừa thãi, song lại có những đứa con hư, vi phạm pháp luật?