Viêm ống tai ngoài là bệnh hay gặp vào mùa hè ở những người đi bơi và tắm biển, đặc biệt là trẻ em, do những hạt cát nhỏ lẫn trong sóng nước, rất dễ lọt vào ống tai khi trẻ chơi đùa.
Viêm ống tai không khó chữa, nhưng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu để lâu ngày.
Cát lọt vào tai gây viêm
Bé Thu (7 tuổi, Hà Nội) vừa đi Nha Trang về cùng gia đình thì thấy tai bị đau, ù tai và nghe kém. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ thực hiện nội soi và phát hiện trong ống tai của bé chứa đầy cát. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm ống tai ngoài thường không gây sốt cao, nhưng bệnh nhân đau nhức dữ dội, nhất là khi nhai, ngáp. Cùng với đau tai là cảm giác đầy, bít, nút tai, thường có ù tai và nghe kém.
Cấu tạo của ống tai không phải là đường thẳng mà là đường gấp khuỷu một góc 130 – 145 độ, sâu, nên dễ đọng các chất bẩn, khi gặp nước cộng với các bụi bẩn như cát thì rất dễ gây nhiễm trùng ống tai. Lớp da ở tai của trẻ lại mỏng, kề ngay bên dưới là xương nên khi bị sưng lên sẽ ép vào da và xương, gây đau tai dữ dội kèm sốt. Vị trí này lại gần đầu nên có thể gây ra đau đầu.
Trẻ dễ bị cát vào tai gây viêm ống tai khi chơi đùa ở biển.
Còn theo bác sĩ Phùng Thị Hương Loan, Chủ nhiệm liên khoa Tai mũi họng – Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương, bên cạnh nguyên nhân cát theo nước vào ống tai, dụng cụ làm vệ sinh tai cho bé không sạch cũng là một nguyên nhân gây viêm ống tai ở trẻ.
Không tự ý vệ sinh
Theo tiến sĩ Dinh, viêm ống tai thực chất là tình trạng viêm trầy xước trong tai, nhưng nếu không điều trị thì trở thành nhọt, tạo thành áp xe, càng ngày càng thít chặt ống tai, ảnh hưởng đến thính lực. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng viêm kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng lan tỏa, gây viêm sụn vành tai.
Khi trẻ bị viêm ống tai, bố mẹ phải đưa đến bệnh viện để bác sĩ nội soi và hút sạch các chất bẩn có trong tai. Sau đó các bác sĩ sẽ xử lý đặt thuốc tại chỗ viêm hoặc điều trị kháng sinh tùy mức độ viêm của tai. Tiến sĩ Dinh lưu ý: bố mẹ không nên sử dụng tăm bông để vệ sinh tai cho trẻ vì tăm bông có thể đẩy các chất bẩn vào sâu hơn. Khi lấy tăm bông lau chùi nhiều, các hạt cát trong tai có thể gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai, gây nhiễm khuẩn nặng hơn. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bố mẹ sử dụng bông ngoáy không vệ sinh, để lâu ngày, bị mốc, vô tình gây viêm nhiễm cho các bé.
Bác sĩ Loan khuyến cáo, khi cho trẻ đi biển cần có nút bảo vệ tai. Nếu có nước biển đọng trong ống tai, nên hướng dẫn bé nghiêng đầu sang một bên, day nhẹ nắp ống tai để nước lẫn cát chảy ra. Sau mỗi lần tắm biển, bố mẹ có thể vệ sinh tai bé bằng cách lấy bông sạch lau ống tai. Khi lau, chú ý kéo vành tai ra sau và lên trên để ống tai thẳng và chỉ lau nhẹ nhàng ở bên ngoài, không đưa sâu vào trong. Bố mẹ cũng có thể sử dụng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như Betadin 10%, nước muối 0,9% thấm vào bông để lau tai cho trẻ. Khi vệ sinh cho bé, bố mẹ cần giữ tay và bông sạch.