Báo cáo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, nước ta hiện đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc.
Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, đó là thời kỳ mà tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống dưới 30% và tỷ trọng người già trên 65 tuổi còn ở mức dưới 15% trong tổng dân số. Cụ thể tại Việt Nam hiện nay, cứ hai người lao động mới có một người phụ thuộc.
Báo cáo cũng cho biết, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” của nước ta đã bắt đầu từ cách đây khoảng 6 năm (2003, 2004), thời kỳ này dự kiến có thể kéo dài từ 30 đến 50 năm. Rõ ràng đây là một lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động của thời kỳ này trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, “cơ hội dân số” và “lợi tức dân số” không tự động đồng hành, không tất yếu đem lại tác động tích cực, mà nó phải được khai thác, được đầu tư, được giành lấy bằng các hành động từ các chính sách, chiến lược cụ thể trong điều kiện cụ thể của từng quốc gia.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay được các nhà phân tích đánh giá chủ yếu dựa vào đầu tư và các nguồn tài nguyên có hạn. Trong khi nguồn lực duy nhất và có thể tái tạo làm động lực cho phát triển chính là nguồn lực con người thì chưa được nhận thức đầy đủ và chưa được tận dụng hữu hiệu. “Cơ cấu dân số vàng” của nước ta hiện nay cho thấy tuy nguồn lao động dồi dào, nhưng chất lượng lao động còn rất thấp lại chính là một thách thức lớn cho sự tận dụng thời cơ vàng. Vì vậy, trong tình hình này, theo các nhà nghiên cứu, vấn đề cốt lõi của phát triển bền vững của nước ta là phải đầu tư nâng cao chất lượng và nhận thức đúng đắn về nguồn lực con người.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là trong khi cơ hội dân số ở Việt Nam đã diễn ra và “cơ cấu dân số vàng” – giai đoạn hứa hẹn nhất của cơ hội dân số, đã bắt đầu nhưng các chính sách và thực lực đóng vai trò trực tiếp trong việc hiện thực hoá cơ hội này lai đang chứa đựng hàng loạt các vấn đề bức xúc. Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện nước ta đang thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng… nên nhiều ngành nghề và công việc đang phải thuê lao động nước ngoài trong khi lao động xuất khẩu của ta thì đa phần có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc hầu như chưa có trình độ chuyên môn nào. Kết quả cuộc điều tra dân số năm 2009 cũng cho thấy, số người từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật của cả nước hãy còn chiếm tỷ lệ khá cao (86,7%), trong đó cao nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (93,4%). Báo cáo điều tra cũng ghi nhận một điều đáng quan ngại là số người đi học nghề đang có xu hướng giảm trong khi số người đi học cao đẳng và đại học lại đang có xu hướng gia tăng.
Một điều hết sức rõ ràng là cơ hội “cơ cấu dân số vàng” chỉ có thể phát huy hiệu lực khi Việt Nam thực sự có “dân số chất lượng vàng” – khoẻ về thể chất, mạnh về tinh thần và có kỹ năng tốt trong công việc. Để có được điều này, vai trò của giáo dục và đào tạo là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và của quá trình hội nhập ngày càng nhanh cũng như đòi hỏi cao của nền kinh tế khu vực và thế giới. Rõ ràng đang có một sự chênh lệch giữa cung và cầu đào tạo khi mà lực lượng lao động đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là lao động trẻ, nhưng hệ thống giáo dục, trong đó có đào tạo nghề lại không đáp ứng được nhu cầu lao động có kỹ năng cho thị trường. Trong khi đó, sự mở rộng quá nhanh của hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học không gắn liền với chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực đã khiến cho chất lượng đào tạo thấp và không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, khi mà tỷ lệ lao động có trình độ quản lý, chuyên môn cao vẫn còn chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn. Đó là hậu quả của việc buông lỏng quản lý, không chú trọng đến việc cải thiện phương pháp, môi trường và điều kiện giảng dạy mà chỉ chú ý đến việc thu hút càng nhiều học sinh, sinh viên càng tốt vì lợi nhuận là chính.
Một khi thời cơ không được tận dụng, nguồn lao động dồi dào về số lượng nhưng kém về chất lượng sẽ trở thành vấn đề mà cả xã hội sẽ phải đối mặt. Áp lực về việc làm cho đội ngũ này là việc đầu tiên được đặt ra. Thiếu việc làm hoặc thất nghiệp sẽ trở thành tai họa cho một bộ phận dân số trẻ không được đào tạo đến nơi đến chốn, có thể sẽ dẫn tới vòng lẩn quẩn của đói nghèo và tệ nạn xã hội. Mặt khác, nếu như lực lượng lao động dồi dào ở giai đoạn này không làm ra của cải vật chất đủ để nuôi sống chính nó, hậu quả sẽ kéo dài mãi về sau. Báo cáo cũng cho thấy, quá trình dịch chuyển dân số từ nông thôn ra thành thị trong thời gian qua diễn ra khá mạnh, trong điều kiện giáo dục và đào tạo ở nông thôn hiện còn nhiều hạn chế (Tỷ lệ những người có trình độ trung học nghề trở xuống ở khu vực thành thị cao gấp 2 lần khu vực nông thôn; tỷ lệ cao đẳng của khu vực thành thị cao gấp 5 lần khu vực nông thôn), cũng cho thấy khả năng tìm kiếm việc làm của lực lượng này cũng có hạn. Hơn nữa, tình trạng đô thị hóa nhanh chóng, nông dân mất đất, thiếu việc làm ngày càng nhiều cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối.
Các chuyên gia kinh tế từng khuyến nghị Việt Nam về cái “bẫy” lợi thế nhân công giá rẻ. Nếu không cải thiện được nguồn nhân lực còn yếu về trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý như hiện nay, Việt Nam không thể nâng cao sức cạnh tranh thông qua tăng năng suất và chất lượng, cũng như không thể xác định ngành nào là lợi thế và chủ lực để cạnh tranh. Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong buổi lễ công bố kết quả điều tra dân số năm 2009 mới đây cho thấy Chính phủ đã nhận thức rất rõ ràng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam có thể sẽ tạo ra những thách thức trong tương lai đòi hỏi phải ban hành và thực hiện đồng bộ các chính sách phù hợp về giáo dục, đào tạo. lao động việc làm, y tế cũng như hàng loạt các chính sách an sinh xã hội khác trong dài hạn.