Trẻ em có khả năng kiềm chế kém nên thường hay gây gổ với nhau chỉ vì những chuyện rất đơn giản.
Những bậc phụ huynh thường rất băn khoăn, bối rối không biết ứng xử ra sao khi các bé ganh tị, giành nhau đồ chơi hay chỉ đơn giản là giành nhau xem ai cầm đồ chơi trước… Theo các chuyên viên tâm lý, có một vài cách thức giúp trẻ giải quyết xung đột khá hiệu quả mà không làm cho trẻ bị ức chế.
Lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của trẻ. Mỗi khi các bé giành nhau đồ vật hay tranh nhau làm một việc nào đó thì những xung đột thường bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc. Những lúc đó các bé luôn cảm thấy bực bội, buồn chán. Vì thế, cha mẹ trước hết cần phải bình tĩnh, hãy bày tỏ cảm xúc thân thiện bằng cách gần gũi với trẻ và giải thích cho chúng thấy rằng bạn rất hiểu điều đó. Tùy theo độ tuổi của trẻ mà có lời lẽ phù hợp.
Trẻ em có khả năng kiềm chế kém nên thường hay gây gổ với nhau chỉ vì những chuyện rất đơn giản |
Ví dụ: “Cha mẹ biết hai con đều thích cái đó/việc làm đó, các con đều đang rất bực mình. Nhưng bực bội thì không giải quyết được gì”. Có nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, khi nói chuyện với người lớn, trẻ muốn cảm xúc của mình được hiểu rõ. Nếu như ta áp đặt trẻ, thường ra lệnh cho chúng “Không được chơi chung nữa, mỗi đứa về một phòng, cứ chơi với nhau là la hét om sòm” hoặc “Im lặng ngay, …”, các bé sẽ khó chịu và tình huống sẽ tồi tệ hơn. Do đó, việc thấu hiểu trẻ, cùng chúng tìm cách giải quyết là giúp chúng hòa đồng hơn, yêu thương nhau hơn, biết chia sẻ cho nhau những gì chúng có. Điều quan trọng hơn, nếu trẻ được thấu hiểu, chúng sẽ học được cách giải quyết tình huống bình tĩnh như người lớn.
Cùng trẻ xác định nguyên nhân xảy ra xung đột. Cha mẹ phải giúp trẻ lắng cơn nóng giận và bình tĩnh trở lại. Sau đó, hãy yêu cầu trẻ trình bày những gì chúng nghĩ về cuộc cãi vã. Hãy luôn nhớ rằng, trẻ em sẽ không thể nói rõ ràng những lý do xảy ra mâu thuẫn nếu chúng chưa ngừng khóc hay la lối om sòm. Ở góc độ tâm lý, chúng ta biết rằng dù ở độ tuổi nào thì trong lúc giận dữ, căng thẳng, khó mà có những suy nghĩ và hành vi đúng đắn. Vì vậy, phụ huynh hãy kiên nhẫn chờ đợi đến lúc trẻ trở về trạng thái thoải mái để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra xung đột.
Gợi ý và khuyến khích trẻ đưa ra giải pháp. Đối với trẻ nhỏ, chúng luôn có tâm lý muốn được lắng nghe và giúp đỡ. Phụ huynh cần phải hỏi để giúp bé bớt căng thẳng: “Thế theo các con chúng ta phải làm gì?”. Cha mẹ nên gợi ý, khuyến khích bé đề xuất một số cách giải quyết và trẻ sẽ chỉ chấp nhận khi cả hai đều đồng ý cùng một giải pháp. Nếu chúng chưa thỏa thuận được với nhau thì hãy khuyến khích bé đưa ra giải pháp khác. Đối với trẻ còn quá nhỏ, bạn có thể gợi ý cách giải quyết cho trẻ lựa chọn.
Khẳng định lại cách giải quyết. Khi đã tìm ra cách giải quyết những xung đột giữa các bé, thì cha mẹ cũng phải nhấn mạnh lại một lần nữa, một cách rõ ràng, dứt khoát: “Thế là ổn thỏa rồi nhé! Cách chúng ta giải quyết là như thế này… Các con không được cãi vã nữa nhé”.
Tiếp tục quan sát và yêu cầu trẻ phải lựa chọn nhiều phương án. Việc làm này sẽ giúp cho trẻ thấy sự lựa chọn nào cũng vừa có mặt này, vừa có mặt kia; có thể hợp lý ở mặt này nhưng lại không thỏa mãn ở mặt khác và dạy trẻ biết cách chấp nhận.
Giúp trẻ biết giải quyết các xung đột là việc rất khó khăn, bởi xung đột xảy ra với vô số tình huống và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Chính vì vậy, việc hiểu được tâm lý con trẻ và cách giải quyết của cha mẹ là rất cần thiết, giúp trẻ hình thành những ứng xử phù hợp, những thói quen và phẩm chất tốt, tránh nảy sinh, phát triển những thói quen xấu về sự ích kỷ, tham lam sau này.