Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hôm nay chính thức công bố dự án hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em (*) ở Việt Nam với tổng kinh phí 2,5 triệu Euro.
Hướng tới phòng ngừa và từng bước xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em ở Việt Nam, các hoạt động trực tiếp của dự án nhằm hỗ trợ 5.000 trẻ em và vị thành niên đang hoặc có nguy cơ phải tham gia vào các hình thức lao động trẻ em trong điều kiện tồi tệ nhất ra khỏi nơi làm việc, hoặc trợ giúp các em phòng ngừa thông qua các dịch vụ giáo dục hỗ trợ. Ngoài ra, chương trình sẽ tập huấn cho khoảng 300 giáo viên để tham gia tuyên truyền về xóa bỏ lao động trẻ em.
Các mục tiêu chính của dự án là cải thiện cơ sở thông tin và dữ liệu quốc gia về lao động trẻ em và các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; hoàn thiện các chính sách quốc gia và nâng cao năng lực của các cơ quan liên quan về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xây dựng và thực hiện các mô hình can thiệp lồng ghép nhằm giảm thiểu các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tại các địa phương thí điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình; đồng thời, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức – năng lực và các vấn đề giới cũng được tiến hành xuyên suốt với các mục tiêu trên.
Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, cả nước hiện có hơn 25.000 trẻ em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng pháp lý cơ bản để xóa bỏ lao động trẻ em bằng việc phê chuẩn các Công ước 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em năm 2000 và phê chuẩn Công ước 138 quy định độ tuổi lao động tối thiểu năm 2003. Điều này cho thấy cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em.
Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs Kjeldgaard cho biết, cơ quan này đã triển khai các dự án tương tự ở 25 quốc gia trên thế giới. Trong phạm vi Việt Nam, chương trình thí điểm sẽ thực hiện tại năm địa phương là Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam và Đồng Nai trong bốn năm với nguồn tài trợ từ Cơ quan Hợp tác phát triển Tây Ban Nha.
(*) Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất được hiểu như nô lệ; tương tự nô lệ như buôn bán và vận chuyển trẻ em, gán nợ…; Sử dụng dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em vào hoạt động mại dâm, vào các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là sản xuất và vận chuyển ma túy…; Những công việc mà tính chất hoặc các điều kiện có thể xâm hại đến sức khỏe, an toàn và đạo đức của trẻ (thí dụ như hầm mỏ, nghề cá, khai thác đá.v.v.)…
Theo kết quả khảo sát của ILO tại Việt Nam:
- 22,6% trẻ giúp việc gia đình có độ tuổi dưới 15
- 71,6% số lao động trẻ em là trẻ phải bỏ học đi làm.
- 43,1% trẻ làm việc tới 85 giờ/ tuần với những công việc đơn điệu.
Tổng hợp