Theo kinh nghiệm được nhiều người truyền tai nhau thì các bà mẹ khi mang thai không nên đi khám và chữa răng, dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Thực hư về kinh nghiệm này thế nào?
Trên thực tế, những phụ nữ mang thai chính là những người có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh về răng miệng nhất bởi lượng canxi trong cơ thể luôn thiếu hụt do phải cung cấp cho con.
Thông thường, những phụ nữ có sức khỏe tốt thì sẽ khó nhận biết được những thiếu hụt canxi này, nhưng ngược lại, những người vốn yếu thì khi mang thai, lượng canxi trong cơ thể sẽ sụt giảm đáng kể.
Thời kỳ thai nhi được khoảng 25 tuần tuổi, hệ xương đang được hình thành mạnh mẽ thì lượng canxi cần thiết phải cung cấp cho em bé cao hơn bình thường các tháng trước đó. Nếu người mẹ không đủ canxi và không bổ sung được canxi qua ăn, uống thì nhiều khả năng thiếu hụt canxi nghiêm trọng, và bệnh đầu tiên gặp phải là các bệnh răng miệng.
Đánh răng thường xuyên để chống sâu răng khi mang thai.
Nếu áp dụng các phương pháp dân gian, thời gian mang thai không được khám chữa răng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến em bé sau này bởi vì nếu viêm lợi quá nặng có thể dẫn tới sinh non. Việc mẹ bị sâu răng cũng sẽ khiến con bị sâu răng theo và viêm vòm họng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những bà mẹ khi mang thai bị sâu răng thì sinh con ra sẽ có bộ máy tiêu hóa kém hiệu quả, hệ miễn dịch không tốt, ngoài ra còn bị ảnh hưởng bởi nhiều căn bệnh khác.
Do đó, không nên vì các kinh nghiệm truyền tai nhau mà tránh đến gặp nha sĩ khám răng mỗi khi thấy dấu hiệu sâu răng, răng ngả màu… Điều quan trọng khi mang thai là phải thường xuyên đi khám răng để phòng ngừa và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, giai đoạn khoảng từ 30 tuần trở đi, bào thai đã quá lớn, việc đi lại và nằm chữa răng lâu dễ gây ra chóng mặt cho thai phụ nên có thể hạn chế khám răng từ giai đoạn này.
Phòng chống sâu răng khi mang thai
Để không phải đối mặt với các chứng bệnh về răng miệng khi mang thai, dẫn đến ảnh hưởng cho thai nhi, các bà mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Mỗi ngày đánh răng ít nhất 2 lần, sau bữa ăn để giữ vệ sinh răng miệng.
- Nếu ở giai đoạn ốm nghén, sau mỗi lần bị nôn cần súc miệng lại bằng nước sạch để giảm axit trong miệng.
- Nếu đánh răng gây buồn nôn cho các bà mẹ mang thai, thì có thể đánh nhẹ nhàng sau đó xúc miệng lại bằng dung dịch vệ sinh.
- Ăn thực phẩm giàu vitamin C, B12, canxi… và hạn chế ăn đồ ngọt, đồ có ga.
Theo aFamily