Kết quả một công trình nghiên cứu của Mỹ cho biết việc đi ngủ sớm sẽ giúp trẻ ở độ tuổi thiếu niên chống lại chứng trầm cảm và ám ảnh muốn tự tử.
Công trình nghiên cứu được thực hiện dựa trên các trẻ em ở độ tuổi từ 12-18 này cho thấy những trẻ ngủ sau nửa đêm có biểu hiện trầm cảm cao hơn 24% so với những em đi ngủ trước 22 giờ. Những em ngủ chưa đến năm tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 71% so với những em ngủ tám tiếng. Ước tính có khoảng 80.000 trẻ em và thanh thiếu niên ở Anh bị trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế của trường Đại học Colombia, New York, đã xem xét các dữ liệu thu thập được từ 15.000 thiếu niên trong thời điểm những năm 1990:
- Cứ 15 trường hợp được nghiên cứu thì có một em bị trầm cảm.
- Ngoài ra, tỉ lệ những trẻ có thời gian do bố mẹ quy định là sau nửa đêm thường nghĩ nhiều đến chuyện tự tử cao hơn 20% so với những trẻ đi ngủ trước 22 giờ.
- Những trẻ ngủ dưới năm tiếng mỗi đêm có nguy cơ tìm cách tự tử cao hơn 48% so với những trẻ ngủ tám tiếng. Còn những trẻ thường xuyên ngủ đủ thì mức độ bị trầm cảm ít hơn tới 65%.
- Chứng trầm cảm và ám ảnh tự tử thường xuất hiện cao hơn trong các bé gái, trẻ vị thành niên và những trẻ ít được sự quan tâm của bố mẹ.
Phần lớn bố mẹ của những trẻ em tham gia chương trình nghiên cứu yêu cầu con đi ngủ muộn nhất là 22 giờ. Một phần tư các trường hợp để con đi ngủ từ lúc nửa đêm hoặc muộn hơn nữa. Tính trung bình, các em ngủ 7 tiếng 53 phút mỗi đêm, ít hơn mức khuyến nghị chín tiếng cho lứa tuổi này.
Tiến sĩ James Gangwisch, người đứng đầu công trình nghiên cứu này nói là cho dù có thể các thanh thiếu niên bị trầm cảm thường khó ngủ hơn, nhưng rõ ràng việc cha mẹ định giờ đi ngủ cho con có liên quan tới chứng trầm cảm.
Rõ ràng, việc thiếu ngủ càng làm cho tình trạng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tới phản ứng của não, làm ảnh hưởng tới khả năng phân tích, phán đoán, tập trung và kiểm soát hành vi.
Theo Vietnamplus