Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi do Bộ Giáo dục – đào tạo ban hành sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học mới 2010-2011. Nhiều phụ huynh lo lắng con em mình không thể đạt chuẩn vì trước đó chưa chuẩn bị gì.
Cần theo dõi sức khỏe của trẻ thật kỹ trước khi cho trẻ luyện tập thể thao.
Song các chuyên gia y tế và thể thao đều cho rằng dù đã có chuẩn, nhưng phụ huynh không nên quá sốt sắng ép con vào chuẩn.
Phải chứng nhận sức khỏe trước khi tập
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, cuối năm học vừa qua tiếp nhận một trường hợp học sinh lớp 10 phải nhập viện cấp cứu khi đang chạy 100m trong giờ thể dục. Nguyên nhân là nam sinh này có tiền sử bệnh hen, bài chạy gắng sức khiến cậu học trò 15 tuổi có vẻ ngoài không hề nhỏ con này bị kích ứng đường hô hấp, lên cơn hen kịch phát.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, khuyến cáo trước hết là phụ huynh sau đó đến giáo viên phải nắm rõ tiền sử bệnh của trẻ, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc do quá ham tập.
Tuy nhiên, điều đáng lo là các loại bệnh sẽ chịu tác động từ các dạng bài tập thể chất này ở lứa tuổi mầm non có thể xuất hiện từ trước mà phụ huynh không biết. Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân tim bẩm sinh, bệnh hen phế quản… được phát hiện rất muộn, trong tình trạng cấp cứu, điều trị tích cực. Trường hợp chưa phát hiện bệnh, bất ngờ lại phải đáp ứng các bài tập này sẽ rất nguy hiểm. Bệnh nhi tim bẩm sinh còn có thể đối diện với sự nguy hiểm đến tính mạng.
Các bệnh lý cần được lưu tâm, khám và có giấy xác nhận bệnh tình cụ thể ở trẻ trước khi thực hiện nội dung bộ chuẩn là: trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh hen, viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản, trẻ bị dị dạng lồng ngực (ví dụ lõm lồng ngực), bệnh về nội tiết – chuyển hóa, trẻ bị dị tật tay chân, trẻ có sức khỏe toàn diện kém (như suy dinh dưỡng, còi xương nặng…).
Với những bệnh lý này, chắc chắn trẻ sẽ không thực hiện được các bài tập theo quy định mới của Bộ Giáo dục – đào tạo. Với trẻ 5 tuổi bị hen phế quản, loại bệnh lý hô hấp phổ biến nhất ở trẻ hiện nay với tỉ lệ mắc 7-11%, khi chạy 150m không nghỉ dễ lên cơn co thắt, có thể dẫn đến tử vong bất ngờ.
Theo đó, bác sĩ Lộc khẳng định để thực hiện chuẩn thể chất, trẻ em trước khi bước vào lớp mẫu giáo 5 tuổi phải được khám sức khỏe toàn diện, tránh hậu quả đáng tiếc.
“Chuẩn hóa” dáng đi
GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên viện trưởng Viện Khoa học thể thao VN, cho rằng với trẻ 5 tuổi mà “khuôn” ngay vào những bài tập thể chất thì rất khó để trẻ thích thú với giờ học.
Chuẩn thuộc lĩnh vực phát triển thể chất nên hướng trẻ vào hoạt động vui chơi, tạo điều kiện cho trẻ phát triển phong phú về tinh thần; dạy cho trẻ quen và ham thích vận động vừa sức, góp phần phát triển thể lực; hướng dẫn các kỹ năng vận động thực dụng, chủ yếu là dạy cách đi cho đúng. GS Chí lo lắng: “Nội dung nhảy xuống từ độ cao 40cm khá nguy hiểm với trẻ 5 tuổi. Tôi từng huấn luyện vận động viên cũng nội dung nhảy từ độ cao 40cm xuống rồi bật lên ở độ cao khác. Với các vận động viên vô địch quốc gia đây được xem là nội dung khó, yêu cầu các bước khởi động rất kỹ”.
Chị Nguyễn Lan Hương (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) tỏ ra hoang mang khi nhìn thấy bảng chỉ số yêu cầu rèn luyện thể chất sắp tới của cậu con trai đang bước vào lớp mẫu giáo lớn 5 tuổi: “Trước nay ở lớp các cháu cũng tập chạy nhưng chỉ 10-15m là cùng. Giờ đẩy lên mức chạy liên tục 150m, chỉ sợ cháu bỏ cuộc giữa chừng, không đạt chuẩn. Giá biết được cháu cần chuẩn bị rèn luyện trước như thế nào…”.
GS Chí cho rằng trẻ dưới 5 tuổi không cần thiết phải ép vào bài tập cụ thể nào để sau này đạt chuẩn: “Ở lứa tuổi này, nếu cần tập là tập cho trẻ biết đi bộ đúng cách, thỉnh thoảng chạy chậm, không tính khoảng cách, không yêu cầu về thời gian, mà chủ yếu hướng đến động tác chuẩn”. GS Chí dẫn chứng chưa cần biết thể lực người VN nâng lên được bao nhiêu khi thực hiện bộ chuẩn này, nhưng điều thấy rõ là dáng đi của người Việt hiện chưa đẹp. Do đó, nên hướng dẫn trẻ từ nhỏ hướng đến một dáng đi chuẩn, mắt nhìn thẳng, lưng không cong, hướng đi phải thẳng, không lệch sang trái hay sang phải.
Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi gồm bốn lĩnh vực (phát triển thể chất; phát triển tình cảm – quan hệ xã hội; ngôn ngữ – giao tiếp và phát triển nhận thức), 28 chuẩn, 120 chỉ số. Trong đó, chuẩn thuộc lĩnh vực phát triển thể chất gồm sáu chuẩn, 26 chỉ số. Một số bậc phụ huynh, chuyên gia y tế khá lo lắng về khả năng đáp ứng của trẻ đối với các chuẩn sau:
|