Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng trăm vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong số những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị chết như tai nạn giao thông, bỏng, chết đuối, ngã và ngộ độc thực phẩm… trong đó, chết đuối chiếm tỷ lệ cao nhất.
Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, thời gian qua tại 15 tỉnh, thành phố có trên 310 em nhỏ bị chết đuối. Trong đó, Nghệ An, Thành Hóa, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội… là những tỉnh, thành phố có trẻ bị chết đuối nhiều nhất.
Mới đây nhất, ngày 26/7, trong lúc nghịch nước ở khu bờ kè Thanh Đa, gần hiện trường sạt lở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, 2 bé trai (một 6 tuổi, một 7 tuổi) trượt chân bị nước cuốn chìm. Ngoài ra, tai nạn do ngã cầu thang, lọt khe cửa, lọt xuống hố ga, tai nạn giao thông… cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Ngày hôm qua (28/7), cháu bé 3 tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội được gia đình đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng mê man bất tỉnh, truỵ mạch và đã ngừng thở. Nguyên nhân là do khi đang chơi ở cầu thang, cháu bị trượt chân, ngã dọc theo các bậc thang. Kết quả chẩn đoán cho thấy cháu bị chấn thương sọ não nặng, phù não lan toả và vỡ cột sống cổ…. 90% số vụ tai nạn thương tích đau lòng xảy ra ở trẻ được cho là không chủ ý nhưng hầu hết do sự chủ quan của người chăm sóc trẻ.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết gần đây, nhiều trẻ em còn bị chết do tai nạn giao thông, do ngã cầu thang, lọt khe cửa… Cục đã phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy về lĩnh vực thiết kế và xây dựng nhà ở dân dụng cho người dân để đảm bảo đúng quy trình an toàn.
Bộ trưởng Bộ Xây dụng cũng ban hành thêm văn bản siết chặt quản lý về việc thực hiện thiết kế và thi công xây dựng các khu nhà dân dụng để giảm thương tích mà trẻ em, nhưng một lời khuyên chung nhất vẫn là các bậc cha mẹ phải để mắt đến con mình./.