Chăm sóc sức khỏe

Chữa ung thư ở Trung Quốc: tiền mất, tật mang

Ngày: 09-08-2012

Khi nghe quảng cáo về bệnh viện hiện đại của Trung Quốc có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư, gia đình anh Quang (Hà Nội) quyết định thử, và liền đưa bố sang. Dự kiến một tháng hết 200 triệu, nhưng hơn tháng đã mất 435 triệu, đáng buồn hơn là người thì không cứu được.

Theo lời anh Quang, bố anh bị ung thư phổi giai đoạn 2 và theo điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội). Đến tháng 3 vừa rồi, ông đã truyền xong phác đồ 1 được 6 lần hóa chất, sau đó mỗi tháng đến viện thử máu, kiểm tra lấy thuốc. Theo các bác sĩ, khi đó, tình trạng của bố anh ổn định.

Tuy nhiên, đến tháng 6, gia đình có nghe quảng cáo về Bệnh viện hiện đại Quảng Châu giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư nên quyết định thử.

“Bố tôi bị đưa vào ở phòng VIP (là phòng đắt nhất) 2, 3 ngày sau đó mới chuyển sang phòng thường và được điều trị bằng cách bắn hạt nhân và nút mạch. Bệnh viện không thu tiền một lúc mà rải ra, mỗi lần 100 triệu đồng. Đến khi bố tôi được cho về nước thì số tiền phải đóng đã gấp hơn 2 lần số tiền được tư vấn ban đầu (dự kiến một tháng hết 200 triệu, nhưng hơn tháng đã mất 435 triệu)”, anh Quang cho biết.

Tiền mất nhiều nhưng càng điều trị sức khỏe của bố anh càng yếu đi. Hỏi bác sĩ thì gia đình nhận được câu trả lời “Cứ an tâm do bệnh nhân được áp dụng điều trị các phương pháp mới nên hơi mệt, mấy hôm nữa sẽ khỏi”.

“Khi ở Việt Nam, bố tôi vẫn khỏe mạnh, có thể đi lại, ăn uống, sinh hoạt tốt, nhìn bề ngoài không ai biết là ông đang mắc bệnh nan y. Nhưng đến khi được cho về nước, bố tôi không ăn uống, đi vệ sinh được và 4 ngày sau (8/7) thì tử vong. Họ nói rằng bố tôi mất không rõ nguyên nhân”, anh Quang chia sẻ.

Câu chuyện trên đây của gia đình anh Quang không phải hiếm gặp. Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, hiện là Phó chủ tịch Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam cho biết, bản thân ông năm ngoái cũng gặp một bệnh nhân bị ung thư phổi điều trị bằng hạt phóng xạ ở Trung Quốc. Sau 2-3 đợt, người bệnh về nước kiểm tra thì phát hiện bệnh không thuyên giảm, nên phải vào Bệnh viện K phẫu thuật.

Chữa ung thư ở Trung Quốc: tiền mất, tật mang - Chăm sóc sức khỏe - Bệnh ung thư - Kiến thức y học

Bệnh nhân chờ ở khu vực thu tiền xét nghiệm tại Bệnh viện K, Hà Nội.

“May mắn là bệnh còn có thể mổ được. Đến giờ, bệnh nhân vẫn sống và khỏe mạnh”, giáo sư Đức nói.

Trong hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực ung thư, ông đã gặp nhiều trường hợp đáng tiếc. Có bệnh nhân biết bệnh nhưng sợ mổ, nghĩ không còn hy vọng nên đi đắp lá, uống sừng tê giác, ăn gạo lứt, muối mè… đều là những phương pháp chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Có một số lại chọn giải pháp đi nước ngoài chữa bệnh.

Theo giáo sư Đức, gần đây rộ lên một số bệnh viện ngoại, trong đó đáng lưu ý là Bệnh viện Hiện đại Quảng Châu của Trung Quốc chữa bệnh bằng phương pháp mới, cấy phạt phóng xạ và kết hợp y học cổ truyền.

Bệnh viện này lập hẳn một trang web giới thiệu bằng tiếng Việt, quảng cáo những lời hoa mỹ như: các chuyên gia ưu tú đầu ngành ung bướu thành lập một đoàn hội chẩn làm việc trên tinh thần tương trợ trí tuệ, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả với từng ca bệnh, thoát khỏi lối mòn trị liệu theo tư duy cá nhân truyền thống hay áp dụng hình thức trị liệu mới “thâm nhập” khối u theo hình thức tiểu phẫu, Đông Tây y kết hợp, thành tựu trị liệu siêu việt, liệu pháp cấy hạt phóng xạ…

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), hiện là Phó chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam.

Chữa ung thư ở Trung Quốc: tiền mất, tật mang - Chăm sóc sức khỏe - Bệnh ung thư - Kiến thức y học
Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), hiện là Phó chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam.

Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, người bệnh nên thận trọng trước những lời quảng cáo. Thực chất thì việc dùng phóng xạ chữa bệnh không mới, vấn đề là cấy như thế nào và có giải quyết được bệnh ung thư hay không thì cần nghiên cứu.

Giáo sư cho biết trên thế giới với những phương pháp chữa bệnh mới thì cần sự phối hợp nghiên cứu nhiều trung tâm trong một nước, thậm chí là nhiều nước để có được sự khách quan. Trong những trường hợp này, người bệnh được chọn vào thử nghiệm, nhiều khi người chủ đề tài còn phải trả tiền cho bệnh nhân, bảo vệ khi xảy ra rủi ro vì họ đã tình nguyện hiến thân cho khoa học để làm thí nghiệm.

“Phương pháp cấy hạt phóng xạ thì chưa có nước nào dùng trừ Trung Quốc. Một số khác nơi áp dụng nhưng ở dạng khác, phương pháp khác. Tôi không dám nói đây là phương pháp không khoa học nhưng nó còn phải được đánh giá và nghiên cứu. Nếu cứ nghe quảng cáo và theo điều trị, nhiều khi chúng ta trở thành vật thí nghiệm không công”, giáo sư Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông thì Việt Nam có đầy đủ các phương tiện điều trị hiện đại và cũng chữa theo phác đồ như thế giới. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, trường hợp nào mổ được thì mổ, không được thì xạ trị, hóa trị, kết hợp một cách hài hòa 3 phương pháp trên. Hầu hết các nước đều điều trị như thế.

“Về con người, chúng ta cũng có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Thuốc men, máy móc chúng ta cũng có đủ, thế giới có cái gì hiện đại thì chúng ta cũng có. Nhưng chỉ có một điều ta kém đó là tình trạng quá tải. Nhìn cảnh mấy người một giường, rồi lại chen chúc ở cổng bệnh viện, nhiều người sợ. Những ai có tiền thì ra nước ngoài, không có thì chờ ở nhà đến lúc bệnh nặng quá thì mới đi”, giáo sư Đức cho biết.

Khoảng 10 năm trước, hàng loạt bệnh nhân nước ta cũng từng theo con đường du lịch sang Trung Quốc chữa bệnh vì nghe thông tin “Thiên tiên dịch” điều trị ung thư (nghĩa là nước thần tiên).

“Tuy nhiên, sau đó, đoàn điều tra của Bộ Y tế tiến hành đánh giá thì thấy hầu hết các bệnh nhân sau khi trở về đều tử vong vì đã bỏ lỡ ‘thời gian vàng’ để điều trị bằng các pháp chính thống của y học hiện đại”, Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết.

Phó giáo sư Thuấn cũng cho rằng, phác đồ điều trị ung thư ở Việt Nam được áp dụng giống như phác đồ tại các nước phát triển tại châu Âu, Mỹ… Cho tới nay, hầu hết các phương pháp tiên tiến, thuốc mới trong điều trị ung thư đều có và áp dụng tại nước ta. Còn bản chất của những phương pháp như nút mạch, hạ nhiệt độ đột ngột rồi làm tăng đột ngột… là điều trị tại chỗ bằng phẫu thuật, xạ trị có hiệu quả tương đương với các phương pháp điều trị trong nước.

Trong khi đó, chi phí chữa bệnh ở nước ngoài đắt gấp hàng trăm lần so với ở trong nước. Tiền một ngày giường ở Bệnh viện K có thời có 10.000 đồng, trong khi ở các nước khác có thể lên đến 500 – 1.000 đôla Mỹ.

Không phải bệnh nhân nào cũng có thể lo đủ, vì thế có người thậm chí bán nhà đất… chỉ đổi lại vài tuần chữa ở bệnh viện ngoại. Thực tế, hiện có tình trạng chảy máu vàng, đôla ra nước ngoài. Nhiều người bệnh sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp…, chữa 2-3 đợt hết tiền, chữa dở dang lại về Bệnh viện K. Bên cạnh đó, sự bất đồng về ngôn ngữ cũng là một trong những cản trở trong việc chữa bệnh.

“Tôi không khuyên bệnh nhân ra nước ngoài chữa trị, nhưng nếu đã đi thì hãy chọn các nước, cơ sở được cả thế giới công nhận, chữa bằng các phương pháp kinh điển, đến hẳn các Viện Ung thư quốc gia. Chứ chữa bằng các phương pháp dò dẫm, quảng cáo hiện đại mới nhưng chỉ có mình nước ấy làm thì nên từ từ. Người bệnh cần hết sức thận trọng trước quảng cáo”, giáo sư Đức khuyến cáo.

Còn theo phó giáo sư Thuấn, người bệnh hãy tin tưởng vào nền y học nước nhà. Nhiều thầy thuốc chuyên ngành ung thư đã được ra nước ngoài học tập nhưng ngược lại cũng có nhiều học viên từ nước ngoài sang học tập, trao đổi chuyên môn. Bên cạnh đó, mặc dù có dư giả về mặt kinh tế thì người dân cũng nên tính đến hiệu quả của việc điều trị để đưa ra quyết định hợp lý.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*