Chăm sóc sức khỏe

Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh tăng huyết áp

Ngày: 03-10-2012

Tăng huyết áp (THA) là triệu chứng của nhiều bệnh, nhiều nguyên nhân. Đa số bệnh nhân THA không có triệu chứng đặc trưng cho đến khi phát hiện được bệnh. Một số triệu chứng thường gặp như đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, khó thở, hồi hộp, mệt mỏi, mờ mắt,…

Theo định nghĩa của Tổ chức tăng huyết áp thế giới và Hội tăng huyết áp Việt Nam, một người lớn bị tăng huyết áp do áp lực máu trong hệ thống động mạch tăng cao, chỉ số huyết áp tâm thu/ huyết áp tâm trương ≥ 140/90 mmHg hay huyết áp tối đa/ huyết áp tối thiểu ≥140/90 mmHg, trong khi chỉ số huyết áp tối ưu được khuyến cáo là <120/80 mmHg.

Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh tăng huyết áp - Chăm sóc sức khỏe - Bệnh cao huyết áp - Kiến thức y học - Sức khỏe gia đình

1. Nguyên nhân:

Theo nguyên nhân gây bệnh, THA được chia thành 2 loại

Tăng huyết áp nguyên phát

Chiếm gần 90% số trường hợp THA (THA không rõ nguyên nhân): không phát hiện thấy ở bệnh nhân một nguyên nhân đặc hiệu nào gây ra THA.

Tăng huyết áp thứ phát

Có thấy một nguyên nhân đặc hiệu dẫn đến THA, chiếm 5 – 10% số trường hợp. Một trong các nguyên nhân đó là:

– Các bệnh về tim mạch: bệnh hẹp eo động mạch chủ (HA chi trên > HA chi dưới), hở van động mạch chủ.

Nhiễm độc thai nghén (THA kèm theo phù và protein niệu)

– Các bệnh do rối loạn nội tiết như u tủy thượng thận, bệnh vỏ tuyến thượng thận, hội chứng Cushing (tình trạng cường chức năng vỏ thượng thận) , hội chứng Conn (tăng tiết aldosteron vỏ thượng thận).

– Bệnh về thận: viêm cầu thận, hẹp động mạch thận, ứ nước bể thận.

– Do sử dụng các loại thuốc như cam thảo, thuốc chứa corticoide, các hoocmon ngừa thai, các chất gây chán ăn, các thuốc chống trầm cảm dạng vòng,…

– Một số các nguyên nhân khác là bệnh đa hồng cầu, tăng áp sọ não, bệnh cường giáp, bệnh Beri beri (tê phù do thiếu vitamin B1).

2. Một số yếu tố thuận lợi cho bệnh tăng huyết áp:

Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh tăng huyết áp - Chăm sóc sức khỏe - Bệnh cao huyết áp - Kiến thức y học - Sức khỏe gia đình

Nghiện thuốc lá là một yếu tố thuận lợi cho bệnh tăng huyết áp

– Yếu tố di truyền (gia đình).

– Thói quen ăn uống: ăn nhiều muối, ăn nhiều protid, uống rượu, nghiện thuốc lá,…

– Tình trạng stress, căng thẳng trí óc thường xuyên.

– Môi trường sống ô nhiễm (tiếng ồn, bụi, rác thải,…)

3. Điều trị bệnh tăng huyết áp

Có 3 vấn đề phải giải quyết trong điều trị THA, đó là điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng và điều trị các biến chứng của THA.

Có 2 phương pháp chính trong điều trị THA

a. Điều trị không dùng thuốc( đó là chế độ tiết thực và sinh hoạt)

– Hạn chế ăn mặn: sử dụng muối dưới 5g/ngày (bao gồm cả lượng muối trong thức ăn)

– Hạn chế mỡ và các chất béo động vật.

– Hạn chế thuốc lá, rượu, nước chè đặc, café.

– Ăn nhiều rau củ quả, trái cây, uống các loại sữa không chất béo.

– Giảm cân nặng đối với những người thừa cân, béo phì.

– Tránh lo lắng quá độ, không lao động trí óc quá căng thẳng, hạn chế stress.

– Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lí.

– Tập thể dục nhẹ hàng ngày (đi bộ, chạy bộ, bơi lội,…)

b. Điều trị dùng thuốc

– Điều trị dùng thuốc kết hợp với chế độ tiết thực và sinh hoạt điều độ, tập luyện thường xuyên sẽ giúp cho bạn nhanh chóng đưa huyết áp về mức bình thường.

– Có nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị THA, có thể dùng đơn độc hay kết hợp tùy theo chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất, và tuyệt đối, bệnh nhân không tự ý ngưng sử dụng thuốc.

– Các nhóm thuốc chính được dùng trong điều trị THA là nhóm thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế giao cảm, thuốc giảm mạch trực tiếp (sử dụng trong trường hợp cấp cứu), thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế canxi, và nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensine.

Trong điều trị THA cần chú ý phối hợp điều trị nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ. Các bệnh nhân THA, cần phải chặt chẽ hơn trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, theo dõi huyết áp đều đặn. Đối với những người chưa bị THA, cần lưu ý các thói quen không tốt cho sức khỏe, khám định kỳ để phát hiện THA sớm nhất.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*