Y học - Bệnh lý

Bệnh chốc lở ở trẻ em

Ngày: 10-10-2012

Ở trẻ nhỏ, ngoài những bệnh có thể gặp như ở người lớn còn có những biểu hiện bệnh lý riêng biệt đặc trưng cho lứa tuổi của trẻ. Đa số trẻ thường mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa nhưng điển hình hơn cả vẫn là các bệnh về đường da, niêm mạc. Với đặc thù da nhạy cảm, non nớt nên rất dễ nhiễm trùng hoặc nổi mụn đỏ mà người ta thường gọi là chốc lở. 

 Bệnh chốc lở ở trẻ em - Y học - Bệnh lý - Bệnh chốc lở - Kiến thức y học - Sức khỏe trẻ em

Trẻ được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh là mong muốn lớn nhất của các bậc làm cha, làm mẹ. Chăm sóc trẻ tốt giúp cho trẻ phát triển một cách toàn diện và phòng chống được các bệnh tật. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển trẻ phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh nhiễm trùng, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong cho trẻ ở thập niên 90.

1. Nguyên nhân

Chốc lở ở trẻ em là do da trẻ bị nhiễm vi trùng, có thể bị nhiễm tụ cầu hoặc liên cầu, hoặc cũng có thể nhiễm kết hợp cả hai loại trên. Đây là chứng bệnh có thể phát sinh và phát triển trên vùng da lành, tuy vậy chủ yếu vẫn là phát sinh trên vùng da bị nhiễm trùng hoặc mắc một chứng ban nào đó như chàm (eczema) hay bỏng rộp…

2. Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh chốc lở ở trẻ em thường khởi phát rõ rệt. Ban đầu, trẻ bị nổi ban với những chấm đỏ nhỏ, bọng nước gây rát và khó chịu, sau đó các nốt ban dần vỡ ra và đóng vảy, hình thành những mảng màu vàng nâu có đường viền xung quanh. Tại các chấm đỏ đó, da của trẻ bị rộp và bong lên. Vào thời gian này trẻ thường hay sốt nhẹ, hay quấy khóc vì ngứa ngáy và thường dùng tay gãi. Chính vì điều này đã khiến cho vi khuẩn dễ dàng lan ra các vùng da lành khác trên cơ thể gây bọng nước nhỏ xíu, rồi từ đó dần phát triển thành một mụn lở mới và cứ thế phát triển ra xung quanh, đặc biệt là vùng da quanh tai, mũi và miệng.

Chốc lở ở trẻ có thể được chữa khỏi nếu tuân thủ đúng quy trình điều trị, tuy nhiên có một số trẻ bị chốc lở tái phát nhiều lần. Điều này xuất hiện là do vi khuẩn gây bệnh thường khu trú ở mũi, họng. Tuy bình thường nó không gây bệnh cho trẻ nhưng trong điều kiện thuận lợi, nó có thể lây lan gây chốc lở tái phát nhiều lần quanh mũi, miệng

Các bà mẹ hay người chăm sóc trẻ cũng cần phân biệt bệnh chốc lở và một số bệnh nhiễm trùng da khác. Nếu chốc lở bị ở vùng quanh miệng thường rất dễ nhầm với bệnh loét miệng, một chứng bệnh do virus gây ra chứ không phải vi khuẩn và có đặc điểm là tái phát nhiều lần. Ngoài ra, chốc lở cũng hay bị nhầm với bệnh viêm mô tế bào. Đây là một dạng nhiễm trùng da nặng hơn, thường gây sưng đỏ trên một vùng da rộng hơn nhiều so với chốc lở, gây phù nề và đau. Đặc biệt nó không có bọng nước và đóng vảy như chốc lở và thường bị nhiễm trùng ở lớp da sâu hơn.

Bệnh chốc lở ở trẻ em rất dễ phát hiện vì triệu chứng khá rõ ràng. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường trên, hãy đưa ngay trẻ đến khám tại bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời và tư vấn cách chăm sóc trẻ bị bệnh. Vì tính chất dễ lây lan nên tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác đề phòng lây bệnh. Ngoài ra, cần chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và mau khỏi bệnh.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*