Y học - Bệnh lý

Có thể bị dị ứng sữa?

Ngày: 29-10-2012

Dị ứng là một phản ứng bất thường của cơ thể khi hệ thống miễn dịch tiếp xúc với những chất lạ. Đối với trẻ nhỏ, ngoài các bệnh lý dị ứng đường tiêu hóa và ở da thông thường như chàm, mề đay, rôm sảy… thì còn có một loại dị ứng khiến trẻ kém hấp thu và khó tiêu hóa, đó là dị ứng sữa.

Có thể bị dị ứng sữa? - Y học - Bệnh lý - Bệnh dị ứng - Sức khỏe trẻ em

 

1. Tại sao lại dị ứng sữa?

Sữa có thành phần acid amin đầy đủ và cân đối, là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ, đặc biệt là sữa mẹ. Các loại sữa có thể khiến con bạn bị dị ứng thường là sữa bò hoặc sữa hộp, thỉnh thoảng do sữa đậu nành. Theo các nhà y học, có 30 – 40% trẻ bị dị ứng với các loại sữa này. Có khoảng 2 – 7% trẻ dưới 1 tuổi bị dị ứng với sữa bò và sẽ bị dị ứng cho đến khi 3 tuổi. Ngoài nguy cơ dị ứng sữa bò, có một tỷ lệ trẻ bất dung nạp đường lactose kể cả trong sữa mẹ do trẻ bị thiếu hụt men tiêu hóa loại đường này.

Mặc dù hiện nay, nền y học nói chung và ngành miễn dịch nói riêng đã phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song nguyên nhân dị ứng sữa vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Có ý kiến cho rằng dị ứng sữa có thể do các yếu tố di truyền cùng với đáp ứng miễn dịch của trẻ. Tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi trẻ, nếu đáp ứng miễn dịch tốt, trẻ sẽ loại trừ được các tác nhân gây dị ứng có trong sữa. Ngược lại, các trẻ khác sẽ có phản ứng dị ứng như nôn trớ, khó tiêu, quấy khóc… Đáng lưu ý là, những trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu ít có nguy cơ bị dị ứng vì hệ thống miễn dịch tốt hơn so với những trẻ uống sữa bò hoặc sữa đậu nành.

2. Biểu hiện dị ứng sữa

Thường gặp 1 trong 2 dạng sau:

Biểu hiện dị ứng chậm

Xảy ra một vài ngày sau khi uống sữa, thường là 5 – 7 ngày. Các biểu hiện dạng này thường bị nhầm tưởng với biểu hiện của các bệnh lý khác nên bà mẹ thường khó nhận ra, có thể là:

  • Quấy khóc: Trẻ cảm thấy bứt rứt khó chịu, thường la hét và quấy khóc vô cớ liên tục trong nhiều ngày.
  • Nôn trớ: Trẻ thường bị ói sau khi uống sữa bò hoặc sữa bột do cơ thể trẻ không có men tiêu hóa đường lactose, một loại đường đôi có trong sữa. Đối với những trẻ không tiêu hóa được, sữa uống vào không được hấp thu khiến trẻ trào ngược và nôn trớ.
  • Tiêu chảy: Do không hấp thu được nên uống vào bao nhiêu, trẻ đi ngoài bấy nhiêu, thường là đi ngoài phân lỏng hơn 2 lần/ngày và liên tục trong nhiều ngày sau đó. Chính điều này làm trẻ mệt lả, sút cân vì mất nước.
  • Ban đỏ: Phát ban ra ngoài da và thường bị nhầm lẫn với các dạng dị ứng khác. Vì vậy cần theo dõi trẻ kết hợp xem có các biểu hiện trên không, nếu có cần đưa trẻ đi khám ngay để xác định nguyên nhân.

Ngoài ra, do không dung nạp được sữa nên cơ thể trẻ thiếu dinh dưỡng, canxi khiến trẻ chậm lớn, không tăng cân vì luôn cảm thấy đầy hơi, tiêu chảy kèm theo các triệu chứng bất thường về hô hấp.

Có thể bị dị ứng sữa? - Y học - Bệnh lý - Bệnh dị ứng - Sức khỏe trẻ em

Biểu hiện dị ứng nhanh:

Xảy ra tức thời ngay sau khi cho trẻ uống sữa. Thường trẻ có biểu hiện ói mửa, nôn trớ, đi chảy, mặt mũi sưng phù, khó thở… Đặc biệt nghiêm trọng đối với những trẻ miễn dịch yếu là dẫn đến sốc phản vệ.

3. Điều trị

– Đối với trẻ có phản ứng dị ứng nhanh: Nếu đang uống sữa bò hoặc sữa bột thì cần dừng ngay việc cho trẻ uống các loại sữa đó, tốt nhất là chuyển sang bú sữa mẹ hoàn toàn. Nếu mẹ không có sữa thì có thể chuyển sang các loại sữa có nguồn gốc khác như sữa đậu nành, sữa dê hoặc sữa bò đã được thủy phân. Nếu sau khi đổi sữa, trẻ không có phản ứng gì thì tiếp tục cho trẻ uống loại sữa đó đến lúc 1 tuổi, sau đó hỏi ý kiến bác sĩ về việc quay lại uống sữa bò xem sự dung nạp sữa đã thay đổi như thế nào.

– Đối với trẻ có phản ứng dị ứng chậm: Tránh các loại sản phẩm làm từ sữa bò như sữa chua, pho-mát… Những trẻ đang bú mẹ thì các bà mẹ cần lưu ý rằng, trong chế độ ăn của mẹ phải loại trừ các thực phẩm có chứa sữa để tránh gây dị ứng cho con. Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm thì cần lưu ý đến chế độ tiết thực của trẻ và phải được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng.

4. Phòng ngừa dị ứng sữa

– Cẩn thận khi chọn sữa cho con, xem kỹ thành phần ghi trên nhãn mác để loại bỏ sữa có chứa thành phần gây dị ứng cho trẻ.

– Quan sát, theo dõi khi cho trẻ uống sữa để đảm bảo trẻ không bị dị ứng và tình trạng dung nạp tốt.

– Nếu trẻ có tiền sử dị ứng, cần chuẩn bị một số loại thuốc chống dị ứng thường xuyên tại nhà dưới sự kê đơn của bác sĩ.

– Nếu phải gửi con đi nhà trẻ, cần gửi loại sữa mình đã chọn cho cô trông trẻ và dặn cho trẻ uống đúng loại sữa đó, tránh tình trạng uống chung sữa với các trẻ khác dẫn đến dị ứng và có thể sốc.

– Khi có bất kỳ biểu hiện nào kể trên, cần đưa trẻ đến bác sĩ để xác định nguyên nhân và tìm loại sữa phù hợp cho trẻ.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*