Y học - Bệnh lý

Những hiểu biết ban đầu về bệnh Đái tháo đường

Ngày: 31-10-2012

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh phổ biến, mạn tính và tốn kém, nó ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội và mọi trình độ văn hóa khác nhau. Gánh nặng bệnh tật do ĐTĐ ngày càng tăng và đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tính đến 2012, ở Việt Nam có hơn 2 triệu người mắc bệnh ĐTĐ và hàng chục triệu người có yếu tố nguy cơ của tiền ĐTĐ.

Những hiểu biết ban đầu về bệnh Đái tháo đường - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Kiến thức y học - Sức khỏe gia đình

Tỷ lệ dân số mắc bệnh đái tháo đường đang ngày càng tăng nhanh

1. Khái niệm

Đái tháo đường (theo định nghĩa của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA 2004) là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insuline, khiếm khuyết hoạt động insuline, hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong ĐTĐ sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

2. Triệu chứng

Đái tháo đường, còn gọi là Bệnh tiểu đường hay Bệnh dư đường với các triệu chứng chính sau đây:

– Tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt. Ngưỡng đường thận là 1,7g/l, khi đường huyết quá ngưỡng 1,7g/l đường sẽ được thải ra nước tiểu, áp suất thẩm thấu trong lòng ống thận tăng dẫn đến tiểu nhiều. Lượng nước tiểu từ 3 – 4 lít hoặc hơn trong 24 giờ.

– Uống nhiều: Tiểu nhiều dẫn đến mất nước và điện giải, làm khô niêm mạc, giảm tiết nước bọt, kích thích trung tâm khát, tạo cảm giác khát và uống nhiều nước.

– Ăn nhiều: Do tế bào thiếu năng lượng, kích thích trung tâm đói, tạo cảm giác đói và ăn nhiều.

– Sút cân, gầy nhanh: do ăn nhiều nhưng không bù đủ phần năng lượng mất đi, năng lượng dự trữ từ lucose, protid và lipid đều được chuyển hóa dần và cơ thể không còn khả năng tân tạo nữa nên cơ thể gầy đi rất nhanh.

– Mệt mỏi: vì thiếu năng lượng nên cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó tính.

– Nhìn mờ: khi đường huyết cao quá mức, dịch trong nhãn cầu bị kéo ra ngoài, nhãn cầu xẹp lại, khả năng điều tiết của mắt kém hơn, mắt nhìn mờ.

3. Phân loại ĐTĐ

ĐTĐ tuýp 1:

– Do sự hủy hoại tế bào beta của đảo tụy và thiếu hụt gần như tuyệt đối insuline.

– Có tên gọi khác là ĐTĐ phụ thuộc Insulin hay ĐTĐ người trẻ.

– Thường gặp ở tuổi nhi đồng hoặc thiếu niên, cũng có thể gặp ở những người độ tuổi 90.

– Tuýp này thường kết hợp với một số bệnh tự miễn khác như Basedown, viêm tuyến giáp, bệnh addison.

ĐTĐ tuýp 2:

Những hiểu biết ban đầu về bệnh Đái tháo đường - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Kiến thức y học - Sức khỏe gia đình

Béo phì là một trong những nguyên nhân dẫn đến ĐTĐ tuýp 2

– Là dạng thường gặp và chiếm đến 90% tổng số trường hợp ĐTĐ.

– Do sự rối loạn hoạt động tiết insuline.

– Thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, một số trường hợp gặp ở trẻ nhỏ và có liên quan đến yếu tố gia đình.

– Các yếu tố nguy cơ của ĐTĐ tuýp 2 này là tuổi cao >40, tăng huyết áp, béo phì, ít hoạt động thể lực, tiền sử gia đình bị ĐTĐ, tiền sử bị ĐTĐ thai nghén.

ĐTĐ thai nghén:

– Do tình trạng rối loạn dung nạp glucose máu với các mức độ khác nhau, được phát hiện khi có thai

– Tỷ lệ phát hiện cao ở giai đoạn muộn của thai kỳ hơn là giai đoạn sớm, phần lớn các trường hợp sau sinh lượng glucose có thể bình thường trở lại.

Các tuýp ĐTĐ đặc biệt khác:

– Giảm hoạt tính insuline do khiếm khuyết gene.

– Bệnh nội tiết như hội chứng Cushing, to đầu chi, cường giáp…

– Bệnh lý tụy ngoại tiết: viêm tụy, ung thư tụy, chấn thương/cắt bỏ tụy…

– Nhiễm khuẩn: rubella bẩm sinh,…

– ĐTĐ do thuốc, hóa chất

– ĐTĐ kết hợp với một số hội chứng di truyền như Down, bại não,…

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*